Mứt Tết, thấy làm sợ ăn

Xuân Đỉnh là một làng làm mứt Tết thủ công lớn nhất ở khu vực miền Bắc, mứt được bán rộng rãi khắp mọi nơi. Nhưng chị Lan, một người làng thật thà: “Mứt làng bán về đâu chẳng biết. Còn mình chẳng bao giờ dám ăn”.

Đường làng thành sân phơi

Vào làng Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) chiều 15/01, trời mưa lép nhép. Vậy nhưng, mặc mưa, mặc gió dọc hai đường làng Xuân La, bí được phơi trắng, tràn ra giữa đường. Nhiều vũng nước, phân bò, phân trâu nằm ngay bên cạnh. Bí được phơi trên những tấm bạt mỏng, tung té ra ngoài đất…

 mt
Bể nước rửa bí này gần cả tháng chưa hề được thay nước.

Anh Hùng, một nhân công làm thêm dùng chân để đảo bí lên xuống như đảo thóc cho biết: “Nhiều nhà tháo cả những tấm bạt vẫn làm mái lợp nhà vệ sinh lâu năm xuống để phơi. Dùng bạt phơi là để lúc gom lại cho tiện chứ chẳng phải để cho sạch”.

Ngay giữa đường làng và các đường trong ngõ, nhiều bể nước như những chiếc bể sú vôi lâu ngày được dùng để rửa bí. Bí sau khi được thái mỏng, được đem rửa nhưng thật ra là được nhúng nước để bớt chất nhờn.

Một điểm chế biến sát ngay biển chào “Làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh kính chào quý khách”, hai bể nước nhỏ xíu dùng để rửa hàng tấn bí, cà rốt. Theo một nhân công đứng vớt bí ở đây thì “gần cả tháng làm mứt rồi, chưa thay nước lần nào”. Người này cho biết, năm nay thế là còn sạch, các năm trước bí còn được rửa ở ngay ở con mương nhỏ giữa làng, nước đen đặc mà trâu bò vẫn dầm. Do làm đường, con mương đã bị lấp, rồi cạn nước.

Nấu mứt cạnh nhà vệ sinh

Rẽ vào trong ngõ, vào một hộ làm mứt bí khá lớn với hơn mười người đang tích cực làm việc. Ngay cạnh một khu nhà bếp chừng 20m2, tất cả từng “nhà xưởng” làm chỗ gọt bí, rửa bí, giá phơi bí, nấu bí và cả một nhà vệ sinh kiểu cũ (không dội nước). Mùi thơm của nối bí đang nấu không át nổi mùi xú uế nhà vệ sinh. Tẩt cả công nhân làm việc đều không đeo gang tay, ủng chân nhưng mặt thì phải đeo khẩu trang kín mít..

Hai chiếc nối nấu bí to đùng nằm trong cùng, sát vách với nhà vệ sinh kiểu cũ (không dội nước). Chiếc muỗng vừa dùng đảo bí xong được đặt ngay giữa nền bếp toàn là than, ướt nhẩm, sau lại đưa vào đảo. Nồi bí sôi sùng sục, không hề có nắp đậy. Lâu lâu, từng xẻng than lại được xúc đổ vào lò bay mịt mù…

 mt
Gom bí đã phơi xong lại, đi cả dép dẫm lên…

Bí chế biến xong được phơi ngay giữa nền gạch hoa mà chủ nhà nói là đã được lau rất sạch sẽ. Bí chỉ còn chờ khô rồi được đóng gói.

Đi dọc các ngõ trong làng, qua các xưởng thấy những lao động nữ đều tay không bốc bí vào bao bì đóng gói. Nhét thêm những gói chống ẩm không rõ nguồn gốc từ đâu nữa là xong. Các khâu hoàn tất chẳng phải qua một khâu kiểm duyệt nào cả vì lâu lâu mới có một đoàn kiểm tra đột xuất như một chủ sản xuất mứt nói.

Xuân Đỉnh là một làng làm mứt Tết thủ công lớn nhất ở khu vực miền Bắc, mứt được bán rộng rãi khắp mọi nơi. Nhưng chị Lan, một người làng thật thà: “Người ta nói công nghệ sản xuất mứt đã được cải tiến để đảm bảo vệ sinh nhưng bẩn thì vẫn cứ bẩn. Mứt làng bán về đâu chẳng biết. Còn mình chẳng bao giờ dám ăn”.