General Motors vừa cho biết hãng đang đầu tư và hợp tác với công ty phát triển năng lượng sinh học Coskata để phát triển công nghệ biến rác thải thành ethanol, loại năng lượng sinh học đang được dùng ở một số mẫu xe.
Công nghệ mới này cho phép xử lý nhiều loại rác từ mùn cưa, rác thải sinh hoạt đến lốp xe cũ thành ethanol với chi phí rẻ chỉ vào khoảng 1USD/gallon (tương đương với 3,78 lít).
Không chỉ rẻ, công nghệ này còn cho phép tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất năng lượng sinh học. Với công nghệ thông thường, muốn sản xuất 1 gallon ethanol từ ngô thì cần tới 3 đến 4 gallon nước. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, mỗi gallon ethanol chỉ tiêu tốn chưa đến 1 gallon nước.
Đại diện của công ty Coskata cho biết một dây chuyền thử nghiệm áp dụng công nghệ này sẽ chính thức đi vào hoạt động từ cuối tháng 1 này tại nhà máy sản xuất chính của công ty ở Warrenville, Chicago.
Theo dự kiến đến cuối năm nay, công ty sẽ sản xuất ra 40.000 gallon khí ethanol, số năng lượng này sẽ được General Motors sử dụng cho các mẫu xe thử của hãng. Sau đó, quy mô sản xuất sẽ được mở rộng hơn và đến năm 2011, nhà máy này sẽ có năng suất 100 triệu gallon/năm.
Một trong những mẫu xe sử dụng khí ethanol của GM. |
General Motors đặc biệt quan tâm đến công nghệ này bởi từ nay đến năm 2012 hơn một nửa các mẫu xe của hãng sẽ sử dụng ethanol làm nhiên liệu.
Bên cạnh việc hợp tác với Coskata, GM cũng tăng cường đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học để tìm ra các phương thức khác nhau để sản xuất ra ethanol. Các chuyên gia của GM dự đoán rằng từ đến năm 2030, 1/3 số phương tiện giao thông tại Mỹ sẽ sử dụng nhiên liệu sinh học.