Bây giờ, ở Châu Thành, Bến Tre, nghề làm vườn đã nâng thêm một bước mới. Làm vườn không chỉ là kinh tế – “có hiệu quả cao”, mà còn phải tạo nên một bản sắc văn hóa – “xanh, sạch, đẹp” ở nông thôn nữa.
Thế nào là xanh, sạch, đẹp, có hiệu quả?
Theo anh Dư Văn Thành, Chủ tịch Hội nông dân huyện, mấy từ “xanh, sạch, đẹp, hiệu quả” nghĩa là không để vườn tạp, trong vườn phải trồng các loại cây có hiệu quả – có năng suất, có chất lượng và có giá.
Tùy theo từng vùng mà trồng các loại cây thích hợp như dừa, bưởi, ca cao, cam quít, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, lòn bon,… dưới nước nuôi cá, trên bờ chăn nuôi cho thích hợp, tất cả gom lại phải đạt mô hình 50 triệu đồng/ha trở lên. Mương vườn phải thẳng, sạch cỏ dại để thả cá và nuôi bèo phục vụ chăn nuôi. Bờ vườn không cần sạch bóng, nên giữ lại một lớp cỏ để giữ độ ẩm của đất. Nếu kết hợp nuôi đại gia súc thì phải có khu trồng cỏ riêng.
Trong vườn, đào nhiều hố để ủ lá cây làm phân hữu cơ tái tạo lại cho đất. Trước nhà phải có hàng rào cây xanh, có cổng và trước sân có kiểng. Trong nhà gọn, sạch, ngăn nắp. Sau nhà cũng phải sạch, có nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh.
Quanh qua quẹo lại theo đường đi trên bờ vườn không biết bao lần, cũng đến nhà anh Nguyễn Quang Minh ấp 7, xã An Khánh. Ðúng là khu vườn nhà anh có khác và nổi trội hẳn lên so với các khu vườn bên cạnh. Vườn nhà anh có hàng rào bằng cây xanh. Nhà anh chưa có cổng, theo dự định, cổng rào anh cũng làm bằng cây xanh, trước có vài cây kiểng cho nhà thêm tươi mát. Vườn nhà anh cũng lạ, tất cả đều ngay ngắn từ mương đến bờ, cây có nhiều loại nhưng ngay hàng thẳng lối.
Gia đình anh có 5 công đất, trước đây trồng mía, sau mới trồng sa-pô. Trước đây, sa-pô có giá 6.000 đồng/kg, thu hoạch mỗi lần từ 3 đến 4 tấn, mỗi vụ thu từ 2 – 3 lần, trừ chi phí anh có lời không dưới 40 triệu đồng. Giá sa-pô sau này giảm xuống còn 700 – 800 đồng, anh chuyển sang trồng nhãn long, rồi đến nhãn suồng cơm vàng, thu hoạch 9 – 10 tấn/vụ, lúc có giá cũng được gần 50 triệu đồng/năm. Khi nhãn xuống giá thì xen bưởi.
Vợ anh nói: “Ổng xoay như thế, lúc đầu tôi cũng phàn nàn lắm chứ, nhưng khi hiểu được rồi cũng vui”. Hiện tại, anh đốn hơn phân nửa vườn nhãn, ngoài bưởi xen cam, quít, ca cao đang cho trái chín, anh còn xen gần 100 cây măng cụt và sầu riêng.
Lấy ngắn nuôi dài trong vườn anh là vậy. Dưới mương nuôi cá tai tượng, sặc rằn. Trên bờ nuôi gà, nuôi heo. Gà không đáng kể, mỗi lần bán khoảng năm ba chục con, không bằng heo. Anh “mát tay” nuôi heo nái, mỗi năm xuất chuồng 2 lần, mỗi lần trên một tấn heo con. Bưởi cho trái gần hết, khoảng 500 kg hàng tháng, giá hiện nay là 12.000 đồng/kg.
Theo vợ anh, “tất cả gom lại trong năm không dưới 60 triệu đồng”. Năm công đất mà thu hoạch được như vậy là đạt quá cao so với mô hình 50 triệu/ ha rồi. Ðiều đáng nói ở đây là khi đi vào vườn của anh và hỏi chuyện gia đình, mới hiểu thêm nghĩa của hai từ “sạch” và “đẹp”, không chỉ vườn sạch cỏ, thẳng tắp, trong nhà gọn ghẽ, mà còn là “trái cây sạch, chủ yếu là sử dụng các biện pháp sinh học, ít dùng phân thuốc hóa học. Còn trong gia đình trên thuận dưới hòa, anh chị có hai con, tất cả đều thành đạt” – anh Dư Văn Thành, chủ tịch Hội nông dân huyện đã nói như vậy.
Ở xã An Khánh, cùng ấp với anh Minh có gia đình của anh Tràm Văn Long trồng măng cụt, anh Phạm Cao Thăng và anh Phạm Trí Dũng trồng bưởi. Xa hơn một chút ở ấp 5, nhà của anh Võ Văn Ðiệp trồng bưởi và ca cao. Ở ấp 1 có nhà của anh Nguyễn Văn Ninh trồng dừa xen ca cao. Nhìn vào vườn của những nhà này mà mê cả hồn lẫn xác. Ðúng với mẫu vườn không chỉ cho thu nhập cao, mà còn là xanh, sạch, đẹp.
Hiện tại, ngoài xã An Khánh, huyện Châu Thành đã có 6.243 hộ đạt mô hình khu vườn như trên, với diện tích 3.100 ha trong tổng số 26.013 hộ nông nghiệp, gần bằng 1/5 đất nông nghiệp trong toàn huyện.
Ðồng lòng, đồng sức ắt sẽ thành công
Theo kế hoạch, đến năm 2010, huyện Châu Thành phấn đấu 80% diện tích đất nông nghiệp là vườn xanh, sạch, đẹp, có giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha trở lên. Năm ba héc-ta thì không nói gì, nhưng con số trên 11.000 ha là không phải nhỏ, đòi hỏi phải có sự đồng tâm, hiệp lực rất cao mới đạt được. Sau hơn một năm vận động, con số 3.100 ha nằm rải rác trong các xã.
Trong năm 2007, huyện bắt đầu tập trung phát triển mô hình liền canh trong xóm, rồi đến từng tổ nhân dân tự quản. Từ đó, năm 2008 mỗi xã đều có 1 – 2 ấp điểm, để trong năm 2009 phát triển rộng trên toàn xã. Ý tưởng đó bắt đầu có trong thực tế và đã đi được một phần tư chặng đường. Nhưng thiết nghĩ chặng đường đã qua còn dễ, vì dân đa số là khá giả, có điều kiện để tự mình vươn lên. Phần còn lại đang nằm phía trước mới là “chông gai”, vì đối với mô hình này, một gia đình mà nghèo tiền, nghèo kiến thức, nghèo công sức thì khó mà đạt nhanh được.
Nói như anh Dư Văn Thành: “Có chủ trương, có mô hình nhưng chưa đủ, mà cần phải có sự hiểu biết sâu rộng, đồng lòng, đồng bộ trong cả hệ thống chính trị, các ngành, đoàn thể các cấp đến từng người dân, thì công việc mới này mới trôi chảy mau tới đích”.
Theo anh, chủ trương này hiện nay đang còn vướng 3 “cái chưa”: Vẫn còn một số cấp ủy cơ sở còn xem nhẹ công việc đang làm, chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo kịp thời; chính quyền, đoàn thể, một số ngành có liên quan chưa phối hợp chặt chẽ và đồng bộ trong việc tạo điều kiện hỗ trợ vốn, cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; việc khơi dậy tình làng nghĩa xóm để nông dân tự giúp nhau có làm, nhưng chưa đi vào bài bản.
Cho nên “4 cái có” vẫn còn nằm rời rạc, đó là có tiền, có kỹ thuật, có kinh nghiệm, có sự giúp đỡ nhau trong tình yêu thương xóm làng. Gắn kết được “4 có” này thì ắt sẽ mau đến thành công. Có lẽ, Châu Thành xây dựng văn hóa bám rễ đầu tiên là bắt nguồn từ nông thôn là vậy.