Từ 18/01, Khu xử lý rác Đa Phước – Bình Chánh sẽ chỉ còn tiếp nhận 1.000 tấn rác/ngày để… giảm mùi rác thối! Nguyên nhân rác bốc mùi: Công trình bãi rác chưa hoàn thành đã rót rác về!
Bãi rác Đa Phước: Nơi quá tải, nơi chưa thể tiếp nhận
TS Nguyễn Trung Việt – Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cho biết, trước mắt, để giảm các mùi khó chịu đang hành hạ người dân ở xã Đa Phước, bãi xử lý rác sẽ được phun thuốc, lấp đất cho đúng quy trình. Ngoài ra, từ ngày 18/01, Khu xử lý rác Đa Phước sẽ chỉ còn tiếp nhận 1.000 tấn/ngày, bằng khoảng 1/3 lượng rác đổ về như hiện nay.
Bãi rác Đa Phước: Chưa xây xong đã “rót” rác về
Giải thích nguyên nhân nảy sinh sự cố rác bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, TS Nguyễn Trung Việt cho biết thêm: Trước đây, chủ đầu tư VietNam Waste Solution dự kiến đến cuối tháng 11/2007, Đa Phước có thể tiếp nhận đủ 3.100 tấn rác/ngày như kế hoạch.
Ông David Dương, chủ đầu tư Khu xử lý rác Đa Phước, đã từng khẳng định khu xử lý rác được xây dựng theo một công nghệ rất tiên tiến “đang được sử dụng ở Mỹ”, sẽ không để xảy ra tình trạng ô nhiễm mùi hay nước rỉ rác ảnh hưởng đến khu vực dân cư.
Tuy nhiên, thực tế lại đang diễn ra điều ngược lại. Dân chúng ở xã Đa Phước đã phải chịu đựng mùi hôi thối suốt hơn 2,5 tháng qua kể từ khi bãi rác Đa Phước đi vào hoạt động.
Theo TS Việt, tuy chủ đầu tư tính toán như vậy, nhưng họ đã xây dựng công trình không kịp tiến độ. Khu xử lý rác Đa Phước hiện còn mấy hạng mục công trình chưa hoàn thành.
Ngoài trạm xử lý nước rỉ rác và trạm trung chuyển cho bãi chôn lấp rác, nhà máy làm phân compost và nhà máy phân loại cũng chưa được xây dựng xong. Từ đây đến tháng 08/2008, nhà đầu tư phải thực hiện xong. Chỉ đến lúc ấy, công trình “Khu liên hợp Xử lý Chất thải rắn Đa Phước” mới hoàn thiện, sẵn sàng cho 3.000 tấn/ngày.
Về mặt công nghệ, công nghệ xử lý nền bằng lớp vật liệu chống thấm HDPE (có tác dụng ngăn không cho nước rỉ rác thấm xuống đất) đúng là xử lý nền theo cách của Mỹ, nhưng thật ra công nghệ này cả thế giới đều đã làm như thế. Ngay cả các cầu đường tại Việt Nam cũng đều áp dụng bức chống thấm này. Nhà máy sản xuất phân compost là theo công nghệ của Mỹ, nhưng bãi chôn lấp thì ai cũng giống ai. Chỉ là nếu mình có tiền nhiều, làm nghiêm túc, mình sẽ làm rất tốt.
TS Việt cho biết thêm, lý do mở cửa Khu xử lý rác Đa Phước cần phải xét đến tình hình lúc đó. Sau khi bãi chôn lấp Gò Cát – quận Bình Tân đóng cửa tháng 08/2007, hơn 6.000 tấn rác đổ hết lên Phước Hiệp – Củ Chi.
Do tình thế quá cấp bách, thành phố buộc phải mở lại bãi chôn lấp số 1 – Phước Hiệp, Củ Chi. Tuy nhiên, sau khi nhận vài trăm ngàn tấn rác, bãi số 1 bị chuồi đất, nên phải dừng việc sử dụng lại. Trong khi đó, bãi chôn lấp 1A – Phước Hiệp đang được xây dựng, chưa hoàn thiện. Mùa mưa lại quá lớn, nước rỉ rác quá nhiều.
Chính vì vậy, buộc lòng thành phố phải mở Khu xử lý rác Đa Phước – Bình Chánh để hỗ trợ cho Phước Hiệp – Củ Chi. Tuy nhiên, sàn trung chuyển rác, hệ thống xử lý nước rỉ rác tại đây vẫn làm chưa xong. Bên cạnh đó, quy trình vận chuyển cũng chưa được hoàn thiện, vì vậy nó sẽ gây một số mùi nhất định ra xung quanh.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đã xuống kiểm tra Khu xử lý rác Đa Phước. Điều may mắn là hiện nay, bãi chôn lấp số 1 tại Phước Hiệp – Củ Chi đã hoàn thiện rồi. Do đó, trước mắt, Khu xử lý rác Đa Phước sẽ được phun thuốc, lấp đất cho đúng quy trình.
Mặt khác, ngay sáng 16/01, Sở đã có công văn yêu cầu Công ty Môi trường Đô thị giảm lượng rác thải đưa đến Khu xử lý rác Đa Phước – Bình Chánh. Đến ngày 18/01, lượng rác thải Khu xử lý rác Đa Phước tiếp nhận sẽ là 1000 tấn/ngày, thay vì hơn 3.000 tấn như hiện nay. Điều này vừa tạo điều kiện cho chủ đầu tư hoàn thiện nốt những công trình còn lại, vừa chia sẻ khối lượng rác với TP.HCM.
Trong thời gian 7 tháng tới đây, tại Khu xử lý rác Đa Phước, rác vẫn được xử lý bằng cách chôn lấp, với khối lượng là 1.000 tấn/ngày. 5.000 tấn rác còn lại sẽ được chuyển về bãi Phước Hiệp – Củ Chi.
Rác bốc mùi: Chỉ là vấn đề tạm thời…
Mỗi ngày, thành phố thải ra từ 5.900-6.000 tấn rác. Đấy là lượng rác thu gom được. Còn nếu tính cả rác không thu gom được, khối lượng có thể lên tới 6.500 tấn/ngày.
Bởi TP.HCM mới chỉ đô thị hoá khoảng 40%. Hiện thành phố vẫn còn nhiều khu vực chưa đô thị hoá: huyện Cần Giờ, Bình Chánh vẫn chưa đô thị hóa hoàn toàn, phía tây bắc Củ Chi. Tốc độ rác thải mỗi năm tăng 10%.
Hiện nay, TP.HCM có 2 bãi chôn lấp rác. Cách xây dựng như vậy mang tính an toàn, an ninh về mặt xã hội và giảm chi phí vận chuyển. Một ở tây bắc Củ Chi (Phước Hiệp), một ở vùng đông nam (Đa Phước). Như vậy, cự ly vận chuyển của thành phố sẽ được chia làm hai. Có thể ở Cần Giờ, thành phố sẽ xây thêm một khu nữa, nhưng chủ yếu phục vụ cho huyện Cần Giờ.
Phước Hiệp – Củ Chi hiện đang tiến hành xây thêm 2 bãi chôn lấp rác nữa. Ngoài ra, 4 dự án nhà máy compost sản xuất phân hữu cơ cũng đang được tiến hành xây dựng song song. Bao gồm: VietStar (Mỹ), Saigon EarthCare (VN), Tâm Sinh Nghĩa (VN), Thành Công (VN). Ngoài ra, thành phố đã chấp thuận một dự án nữa là lò đốt rác với công suất 1.000-1.500 tấn/ngày.
Đồng thời, một nhà tái chế rác FFK (Đức) đang được tiến hành tại Phước Hiệp. Nhà máy này sẽ phân loại các chất thải như túi nilông, ván ép,.. đều được đem đi tái chế hết. Còn lại những chất thải từ thực phẩm dư thừa được ủ lên men, sau đó sinh khí phát điện,… Đây là vòng xử lý rác tuần hoàn khép kín. Hiện giá lắp đặt nhà máy khoảng 64 triệu euro. Hy vọng, đến tháng 12/2008, tất cả các dự án trên được hoàn tất. Còn các nhà máy điện của FFK sẽ vận hành vào cuối năm 2009, đầu 2010.
Còn tại Đa Phước, diện tích 128ha dành cho Khu liên hợp xử lý rác tại Đa Phước là dư. 78ha dùng cho chôn lấp, 50ha còn lại dùng để trồng cây xanh, đệm bờ, đê bao, khu hành chính, nhà máy compost, và nhà máy phân loại.
TS Việt khẳng định, với hai bãi chôn lấp như vậy, chắc chắn trong vòng 30 năm tới, TP.HCM không phải lo về vấn đề rác.