ThienNhien.Net – Thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu về vấn đề y tế bao gồm: HIV, các bệnh truyền nhiễm, thiếu nước sạch và các dịch vụ chăm sóc y tế. Song, tầm quan trọng của vấn đề này dường như vẫn chưa được thế giới nhận thức đúng đắn.
Cuộc Điều tra Y tế cộng đồng toàn cầu Kaiser/Pew được thực hiện ở 47 quốc gia đã đưa ra một cái nhìn khái quát về mức độ quan tâm của người dân ở từng quốc gia đến vấn đề y tế của đất nước họ cũng như những nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề sức khoẻ cộng đồng, nhất là ở các quốc gia vùng cận Sahara, Châu Phi.
Cuộc điều tra tập trung vào một số vấn đề như các căn bệnh hiểm nghèo nhất thế giới, đánh giá những nỗ lực từ các nước viện trợ giúp các nước nghèo giải quyết những vấn đề y tế, xem xét liệu những ưu tiên cho y tế của người dân ở các nước đang phát triển giống hay khác so với những ưu tiên mà chính phủ của họ và các tổ chức y tế và phát triển toàn cầu đề xuất, đánh giá các nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh sốt rét, HIV, lao và vấn đề nước sạch.
Báo cáo điều tra cho biết các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình đang quan tâm khá nhiều đến y tế. Tùy theo mỗi khu vực và mỗi quốc gia, mức độ ưu tiên cho các vấn đề là khác nhau. Phòng và chữa HIV/AIDS là ưu tiên hàng đầu ở vùng phụ cận Sahara và châu Á trong khi ở Mỹ La tinh và Trung Đông lại là cuộc chiến chống đói nghèo và suy dinh dưỡng.
Đáng chú ý là việc phòng và chữa các bệnh truyền nhiễm như lao, sốt rét – hai căn bệnh nguy hiểm đối với rất nhiều quốc gia trên thế giới – lại bị xem là những ưu tiên thấp nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hai bệnh này được xếp vị trí cuối cùng trong danh sách những vấn đề cần quan tâm, ngoại trừ ở vùng ngoại vi Sahara, chúng đứng thứ 7 trong danh sách 9 vấn đề ưu tiên.
Báo cáo cũng cho thấy viện trợ nước ngoài đã có tác động lớn đối với hầu hết các quốc gia nhận viện trợ, song chính các nước này cũng mang lại cho nước viện trợ nhiều tiền, thậm chí hơn cả những lợi ích mà họ thu được. Hầu hết các cư dân trên thế giới mong muốn nước giàu sẽ giúp nước nghèo nhiều hơn nữa trong việc giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế, giảm đói nghèo và tăng cường y tế.
Trong khoảng thời gian 2002 – 2006 viện trợ quốc tế cho cuộc chiến chống lại HIV/AIDS đã tăng hơn 3 lần, từ 1,6 tỷ USD lên 5,6 tỷ USD. Ở phần lớn những nước có đại dịch HIV/AIDS mới xuất hiện hay đang hoành hành, HIV được xem là một vấn đề ngày càng phức tạp, tuy nhiên nhiều người dân tỏ ra lạc quan về sự tiến bộ của khoa học trong nước trong việc phòng tránh và chữa trị căn bệnh nguy hiểm này.
Báo cáo nhận đình rằng sức khỏe toàn cầu thực chất là một vấn đề mang tính cục bộ nhưng ở mỗi nơi nó được đánh giá một khác.