Nhờ dự án cải tạo nương rẫy đồng bào Dao Bản Mún 1, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Cạn) đã biết canh tác gối vụ, chấm dứt du canh du cư, phát nương làm rẫy, cái đói, cái nghèo được đẩy lùi, cuộc sống của bà con ở Bản Mún đã và đang đổi thay từng ngày.
Bí thư chi bộ thôn Bản Mún, Bàn Văn Thượng nhớ lại những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi hợp tác xã kiểu cũ giải thể, nhiều hộ dân ở Bản Mún 1 không còn đất cấy lúa do những người dân ở nơi khác đến đòi lại ruộng đất cha ông. Thế là cả bản hò nhau lên rừng, đốt nương làm rẫy, mỗi bãi nương trồng hai vụ lúa, khi cỏ may mọc là bỏ đi nơi khác.
Cuộc sống quanh năm vất vả, cứ đốt hết khu rừng này lại chuyển sang khu rừng khác. Rừng bị thu hẹp, nhiều đồi trọc xuất hiện, do việc canh tác bừa bãi không khoa học nên đất sản xuất bị rửa trôi, bạc màu, năng suất cây trồng thấp, kéo theo đó là cái đói, cái nghèo cứ đeo bám.
Khi chính sách giao đất, giao rừng đến từng hộ dân, nương rẫy được quản lý tốt hơn và phá rừng bị nghiêm cấm. Thế là những nương bạc màu trước đây đã bỏ, giờ cũng phải cố gắng cày cuốc để trồng lúa, ngô.
Những thanh niên có sức khỏe trong bản bị kẻ xấu lôi kéo đi phá rừng đầu nguồn, đi vận chuyển gỗ thuê, xẻ và chặt gỗ thuê cho lâm tặc cũng chỉ đủ nuôi bản thân chứ cũng không giúp gì được cho gia đình. Cuộc sống của người dân Bản Mún 1 cứ loanh quanh với cái đói nghèo, nhìn những khu đồi trọc mà không biết làm thế nào để ra gạo, ra ngô.
Thấy được tiềm năng về đất đồi rừng ở Bản Mún 1 rất lớn, vào khoảng năm 2003 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với tỉnh đưa vào Bản Mún 1 dự án cải tạo nương bạc màu, xây dựng nương cố định và quy hoạch giúp dân phát triển vùng cây ăn quả, tập trung vào hai loại cây cam và quýt.
Từng đoàn cán bộ đã xuống với dân, hướng dẫn nhân dân trồng và chăm sóc cây trồng theo khoa học. Những bãi nương ót bỏ hoang đã được cải tạo để trồng quýt, cam ghép cành, giống quýt chiết cành chỉ sau ba năm là cho thu hoạch.
Trong ba năm đầu cùng với việc chăm sóc cây ăn quả, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn nhân dân trồng xen khoai tàu, lúa nương, ngô đồi để giải quyết thiếu đói về lương thực.
Thế là hàng chục ha quýt được trồng xen lúa nương, ngô nương, theo cách nói của cán bộ là “lấy ngắn nuôi dài”. Mới đầu cụm từ “lấy ngắn nuôi dài” còn xa lạ với người dân Bản Mún 1, nhưng giờ đây nó trở thành gần gũi với mỗi người dân nơi đây. Chính cách làm “lấy ngắn nuôi dài” này đã giúp cho 48 hộ đồng bào dân tộc Dao thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo.
Sau gần 5 năm, nhiều khu đồi trọc đã phủ một mầu xanh của cam, quýt, những trái quýt đầu mùa đang ngả mầu vàng nhạt, báo hiệu Bản Mún 1 đang đổi thay, cái đói nghèo đang lùi xa.
Chỉ vào khu đồi với hơn 200 gốc quýt đang cho thu hoạch lứa quả đầu, Bí thư Bàn Văn Thượng vui mừng cho biết: Chính trên diện tích quýt đó, năm ngoái gia đình ông thu được hơn hai tấn ngô đồi, năm nay quýt đã cho thu hoạch, không trồng xen ngô, lúa nữa nhưng ước vụ quýt này gia đình cũng thu khoảng hơn 5 triệu đồng, chỉ sang khu đồi bên cạnh có hơn 100 gốc quýt mới trồng được hơn năm, vụ này gia đình trồng xen lúa nương, thu về hơn chục gánh lúa.
Không chỉ gia đình Bí thư Bàn Văn Thượng thành công trồng xen canh lúa, ngô, khoai tàu với cam quýt, mà gần như cả bản hộ nào cũng làm theo cách này. Hộ trồng nhiều lên tới gần 500 gốc quýt, hộ trồng ít thì vài chục gốc đến hơn trăm gốc quýt. Nhờ phát triển trồng cây ăn quả nhiều hộ đã thoát nghèo và xây nhà khang trang, mua sắm các tiện nghi phục vụ cuộc sống. Ðiển hình như gia đình ông Bàn Văn Bình mỗi năm thu được khoảng 20 triệu đồng từ bán quýt, hộ ông Bàn Văn Liều với vườn quýt hơn 300 gốc, mỗi năm thu được khoảng 20 triệu đồng.
Làm trưởng thôn và Bí thư chi bộ ở Bản Mún 1 hơn chục năm, ông Bàn Văn Thượng rất tâm đắc và tự hào khi thấy bản Dao của mình đang thay đổi từng ngày. Nhìn những ngôi nhà gỗ lợp ngói đỏ, những chiếc chảo thu sóng truyền hình gắn san sát, ông Thượng cho biết cả bản này chỉ còn 5/48 hộ chưa có máy thu hình, nếu cách đây hơn chục năm, xe máy là niềm mơ ước của các hộ dân thì giờ đây 95% số hộ đã có xe máy dựng trong nhà và dùng xe máy để vận chuyển quýt, cam ra đi bán, hiện Bản Mún 1 chỉ còn có 7 hộ thuộc diện nghèo.
Cùng với việc phát triển kinh tế đồi rừng, trồng cây ăn quả thì Bản Mún 1 xây dựng quy ước, xây dựng nếp sống văn minh, xây dựng làng văn hóa. Mặc dù là bản vùng sâu, vùng xa của xã Dương Phong, nhưng trong nhiều năm qua, Bản Mún không có các tệ nạn xã hội như ma túy, trộm cắp, v.v. Người dân trong bản sống đoàn kết, chan hòa giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Mong muốn của người dân Bản Mún 1 là thời gian tới, Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường nối thôn với trung tâm xã, để việc đi lại và vận chuyển cam quýt đi bán được dễ dàng hơn. Các ngành chuyên môn quan tâm hơn trong việc quy hoạch vùng cây ăn quả và có chính sách hỗ trợ người dân phát triển và tiêu thụ các sản phẩm cam, quýt, khoai tàu, để cuộc sống ở bản Dao vốn khó khăn này phát triển ổn định, bền vững ngày một ấm no hơn.