Các kỹ sư môi trường tại Đại học bang Pennsylvania đã phát minh ra một công nghệ mới biến nước thải độc hại thành năng lượng. Nó có tác dụng tẩy các chất độc hại khỏi quặng và tạo nên điện năng cùng một lúc.
Nước ô nhiễm thoát ra từ các mỏ than và kim loại là một nguồn ô nhiễm nghiêm trọng đe dọa nguồn nước sạch và sức khỏe sinh vật. Nguồn nước này chứa những kim loại độc hại như thạch tín, chì, đồng, sắt và chất catmi (cadmium). Quá trình lọc tẩy các chất đó hết sức khó khăn và tốn kém.
Các kỹ sư môi trường tại Đại học bang Pennsylvania đang phát triển một thiết bị mới giải quyết nguồn ô nhiễm đồng thời tạo ra một nguồn năng lượng mới. Họ đã thử nghiệm phiên bản dùng cho phòng thí nghiệm của thiết bị với dạng chất lỏng nhiễm sắt tương tự như nước ở các mỏ khai thác. Thiết bị này tấn công vào sắt hòa tan và giải phóng electron khỏi sắt. Nguồn điện phát sinh làm cho sắt không thể hòa tan được và từ đó kéo các chất thải ra khỏi nước.
Những vụn sắt thiết bị thu được có thể dùng cho sơn hoặc các sản phẩm khác. Trên nguyên tắc, thiết bị này có thể xử lý các kim loại khác trong nước thải. Nhà nghiên cứu Brian Dempsey cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành các dự án nghiên cứu khác để loại thạch tín và những chất gây ô nhiễm khác.”
Hiện nay, thiết bị chỉ có thể sản sinh ra một nguồn năng lượng khiêm tốn. nhà nghiên cứu Bruce Logan trả lời phỏng vấn của LiveScience: “một phiên bản có kích cỡ bằng một chiếc tủ lạnh sẽ cung cấp năng lượng đủ để thắp một bóng đèn.” Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể cải thiện đáng kể nguồn năng lượng sản sinh và giảm chi phí.
Nghiên cứu được đăng tải trên ấn phẩm ra ngày 01/12 của tạp chí Environmental Science & Technology.