Cuối tuần qua, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì đã kiểm tra khoảng 6.685 tấn thép phế liệu, trị giá gần 2,5 triệu USD nhập về các cảng Hải Phòng, Sài Gòn và bị ách lại từ tháng 09/2007 đến nay và đã có kết luận cuối cùng…
Buộc tái xuất 7.000 tấn thép phế liệu vì vi phạm Luật Môi trường
Doanh nghiệp thừa nhận vi phạm Luật Bảo vệ môi trường
Theo kết luận từ Đoàn kiểm tra Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các doanh nghiệp (DN) đã phải thừa nhận lô thép phế liệu nhập khẩu vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, bao gồm 159 container thép phế liệu nhập khẩu của 4 công ty: TNHH Anh Trang, Thép Techmut, Công ty Cổ phần Hoà Phát và Thép Đình Vũ đang nằm tại cảng Hải Phòng.
Đây là kết luận cuối cùng về số thép được nhập khẩu từ nước ngoài về cung cấp cho các nhà máy làm nguyên liệu phôi thép đã bị ’’ách’’ suốt từ tháng 09/2007 đến nay.
Trong số này, có 29 container đã được Công ty Cổ phần Hòa Phát tái xuất, số còn lại, tất cả các công ty đã nhận sai sót và thực hiện xử phạt hành chính. Duy có Công ty Kim khí Hưng Yên chưa chấp hành xử phạt hành chính và đang tiếp tục khiếu nại lên cấp trên.
Ông Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường cho biết, khi kiểm tra, tất cả các lô hàng mở ra là các thùng hộp đựng sơn, đựng nước uống thực phẩm, thiết bị lọc dầu… chưa được làm sạch, bám dính dầu mỡ, tạp chất, bốc mùi khó chịu…
Ông Hà cũng cho biết, 109 container tại cảng Sài Gòn của Công ty TNHH thương mại Anh Trang (91 container) và Công ty CP Kim khí TP.HCM (13 container) cũng trong tình trạng tương tự.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tất cả các DN đều thống nhất và ký vào biên bản vi phạm.
Hiệp hội Công thương và Hiệp hội Thép đã tổ chức họp cùng với các DN và đều thừa nhận vi phạm này và có khuyến nghị, việc tái xuất rất khó khăn thậm chí không thể, theo đó, đề nghị các cơ quan Nhà nước giúp đỡ doanh nghiệp giảm thiệt hại.
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cũng đã thừa nhận, chính ông cũng chưa nhận rõ được như thế là vi phạm pháp luật về môi trường.
Tránh vết xe đổ
Trước đó, các DN cho rằng, điều 43 quy định: “Phế liệu nhập khẩu phải được phân loại, làm sạch, không lẫn vật liệu, vật phẩm, các tạp chất nguy hại” thì những lô hàng này hoàn toàn hợp pháp.
Tổ chức giám định Vinacontrol TP.HCM còn khẳng định: lô hàng có thể đưa vào nấu luyện thu hồi thép phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường, không có chứa độc hại với môi trường và con người. Nhiều ý kiến cũng cho rằng khái niệm ’’làm sạch’’ tại mục a, khoản 1 điều 43 Luật Bảo vệ Môi trường là không rõ ràng.
Tuy nhiên, tại mục b và mục c của điều 43 Luật Bảo vệ môi trường nêu rõ: phế liệu nhập khẩu không chứa chất thải, tạp chất nguy hại và phải thuộc danh mục được phép nhập khẩu do Bộ TN&MT quy định. Danh mục chất thải nguy hại cũng đã được ban hành rất rõ ràng và cụ thể. Theo ông Hà, pháp luật đã quy định rất triệt để, thành phần lẫn chất thải nguy hại tuyệt đối là không nhập khẩu!
Thực tế cho thấy, việc các DN chưa tìm hiểu và nhận thức rõ về điều kiện và yêu cầu đối với phế liệu nhập khẩu, về danh mục chất thải nguy hại đã được ban hành, chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã dẫn đến các DN phải ’’trả giá đắt’’ cho số phế liệu nhập khẩu (có DN trả tới hàng chục triệu đồng/ngày lưu giữ) mà nay đi cũng dở ở không xong!
Việc tái xuất hiện nay rõ ràng không dễ, các DN đang kiến nghị các cơ quan Nhà nước giúp DN giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, các DN cũng cần phải có những kiến nghị đúng, tránh trường hợp đi lại ’’vết xe đổ’’, lại rơi vào tình trạng để hàng lâu, chi phí cao, ô nhiễm môi trường.
Theo đó, hướng tháo gỡ hiện nay theo pháp luật là: chấp nhận xử phạt hành chính và bổ sung khắc phục hậu quả (tái xuất hoặc tiêu hủy) với sự kiểm tra giám sát của cơ quan môi trường.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong tuần này, Bộ TN&MT cùng với các cơ quan liên quan sẽ họp để đưa ra hướng xử lý cho số thép phế liệu còn lại.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà cũng khẳng định, việc nhập thép phế liệu (vỏ lon, hộp…) tại cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn chỉ chiếm một phần nhỏ về thép nhập khẩu, không tác động lớn so với các loại thép đang nhập khẩu khác (tổng nhập khẩu thép khoảng 2,6 triệu tấn/năm).