Thú rừng “khóc than” ở phố

Dạo một vòng quanh các quán ăn nhà hàng ở chốn Hà thành, mới ngộ ra một điều rằng, chẳng phải thú rừng đang bị con người tận diệt ở nơi rừng xanh núi đỏ mà ngay tại chốn phồn hoa đô thị này mới chính là nơi thú rừng “khóc than" nhiều nhất.

Mấy năm gần đây, cứ và dịp cuối năm thị trường thịt thú rừng lại trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Theo T. – người chuyên cung cấp mặt hàng này cho biết: mấy năm gần đây, những người có tiền đặc biệt là giới làm ăn buôn bán, thường có những buổi liên hoan tiệp tùng “giải đen” bằng cách đi ăn các loại thú rừng.

“Giải đen” càng quý càng tốt

Chính vì tâm niệm như vậy các loại thú càng quí hiếm lại càng có giá bởi họ quan niệm, ăn “giải đen nên phải là loại có tên trong sách đỏ. Hơn nữa bây giờ người có tiền đôi khi thích thay đổi những món ăn đã quá quen thuộc nhàm chán của mình. Còn gì ngon hơn là tìm đến những loại động vật sống hoang dã này.

Thời gian gần đây, liên tiếp những đường dây buôn bán động vật quí hiếm bị triệt phá nhưng không vì thế mà thịt thú rừng lại trở lên khan hiếm trên đất Hà thành. Các quán ăn, nhà hàng đặc sản chuyên bán thịt thú rừng tuy có dè dặt hơn nhưng không phải vì thế mà các thực khách không được thưởng thức.

Chỉ cần có mối và quen biết là có thể tìm được bất kỳ loại thú rừng nào ở ngay nơi sôi động này chứ chẳng phải đi đâu xa. Tùy vào túi tiền của mình, thực khách có thể yêu cầu, các món ăn cả con loại thú sống hay đông lạnh. Thịt thú rừng ở Hà thành còn nhiều hơn bất kể các tỉnh thành nào trên cả nước. Bởi theo như T thì có “cầu” thì ắt hẳn có “cung” đó là quy luật thị trường. Do nhu cầu mạnh mẽ ấy, nhiều đường dây buôn thú rừng xuyên quốc gia đã dùng đủ mọi cách để tuồn hàng về đây.

Bây giờ thịt hươu, thịt nai, thịt lợn rừng… đã trở thành món ăn “xưa như diễm” với bất kỳ nhà hàng nào, quen đến nỗi gọi nó còn dễ hơn gọi món rau muống xào tỏi. Còn nếu thực sự muốn thưởng thức các loại thú còn sống thì chỉ cần gọi đặt trước mấy giờ đồng hồ là các thực khách có thể tận mắt chứng kiến họ làm thịt và chế biến món ăn. Vì theo lời T. thì bây giờ thú rừng ở thành phố còn nhiều hơn ở rừng, bởi những quán ăn, nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa.

Hà thành mấy năm gần đây đã xuất hiện càng nhiều nhà hàng, quán ăn chuyên bán đặc sản thịt thú rừng tất cả thường núp bóng dưới những tên gọi chung chung là quán rượu dân tộc hay những địa danh gắn liền với gì gợi cho người ta liên tưởng đến rừng rú, vùng cao. Có nơi còn xuất hiện cả một dãy phố chuyên bán các loại thịt thú rừng như một làng ở huyện vùng ven ngay sát Hà Nội.

Thú rừng “khóc than” ở phố

Sau một hồi quẹo phải quẹo trái trong cái ngõ sâu hun hút để theo chân T., vào một quán chuyên bán thịt thú rừng. Khác hẳn với những gì tưởng tượng ban đầu của tôi, tuy quán nằm khuất nẻo, sâu hun hút tận trong cái ngõ nhỏ ấy nhưng quán khá đông khách. Căn nhà hai tầng rộng rãi chật cứng khách vào ra. Quán được trang trí khá đẹp mắt và khéo léo, bên dưới chân cầu thang là vô số chuồng sắt để nhốt thú rừng. Có đủ loại thú rừng như cầy hương, cầy vòi, cu li, tê tê, gấu, báo… được nhốt trong những chuồng sắt đưa ánh mắt sợ hãi nhìn dòng người đang xuôi ngược.

Nhưng có lẽ nhiều nhất vẫn là các loại chim, có đủ các loại cho thực khách lựa chọn, kể cả những loài chim quí hiếm chẳng thấy còn thấy mấy ở ngoài thì đều có mặt đây. Những ngăn chuồng chật trội nhốt đầy chim quí như sâm cầm, công, trĩ, cò mỏ thìa, vạc xám… đang phát ra tiếng kêu lép nhép, khản đặc.

Tất cả số đó sẽ được người ta thịt hết, bộ lông tuyệt đẹp của con thú chỉ còn lại lớp da trắng ởn, tuỳ từng loại thú mà cách chế biến một cách khác nhau. Con được đem đi thui vàng, con được phanh ra ngay tắp lự, thịt xương được chia ra để chế biến thành các món khác nhau. Tiếng í ới gọi đồ ăn, tiếng ly va chạm nhau lách cách, liên tiếp những tiếng điện thoại mời nhau đi ăn thịt thú rừng.

Có lẽ, kinh hãi nhất ở cái quán thịt thú rừng này là khi chứng kiến cảnh giết thịt con cu li (có nơi gọi là con lười – một loài vật thuộc họ hàng nhà khỉ). Nó được đưa tới chiếc bàn nhậu bằng một chiếc lồng sắt được thiết kế khá đặc biệt, ôm gọn lấy con vật, đến nỗi nó chỉ còn thò đúng hai tay hai chân ra bên ngoài.

Con vật đưa ánh mắt sợ sệt thò tay quềnh quào như van xin. Mặc, đám thực khách vây quanh đưa ánh mắt vô cảm chờ đợi. Tiếng một ai đó trong bàn hô bắt đầu, con vật bị hai thanh sắt như chiếc kìm từ từ nâng lên, một đoạn đầu nhô ra khỏi lồng. Chai rượu trong tay gã đầu bếp đổ tràn trề trên đầu con vật. Phập, một lưỡi dao sáng loáng lướt qua, con cu li giãy rụa. Mảnh hộp sọ được lật ra, rượu tiếp tục đổ, đĩa chanh để sẵn trên bàn được đám thực khách vắt vào đầu con vật, rồi rượu nâng lên. Từng người tay cầm thìa, múc từng thìa óc con vật bỏ vào miệng như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Sau mấy ngày theo chân T. dạo một vòng quanh các quán ăn nhà hàng ở chốn Hà thành và tận mắt chứng kiến cái chốn tận diệt thú rừng ấy, tôi mới ngộ ra một điều rằng, chẳng phải thú rừng đang bị con người tận diệt ở nơi rừng xanh núi đỏ mà ngay tại chốn phồn hoa đô thị này mới chính là nơi thú rừng “khóc than” nhiều nhất.

Cứ mỗi ngày trôi qua, ở đất Hà thành này có không biết có bao nhiêu con thú bị giết để làm mồi nhậu và nhất là càng vào những ngày cuối năm đi ăn thịt thú rừng để “giải đen” đang trở thành trào lưu của một số người ở thành phố.