Đến huyện Cam Lộ hỏi thăm chị Trần Thị Kiều Oanh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành, chuyên sản xuất và cung ứng giống cây trồng các loại ở thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành thì hầu như mọi người dân nơi đây ai cũng biết. Bởi chị là một trong số ít những người phụ nữ làm giàu nhờ trồng rừng.
Năm 2004, với số vốn tự có là 415 triệu đồng cùng số tiền vay mượn được của người thân và bạn bè, chị thành lập Doanh nghiệp tư nhân Tân Thành. Ban đầu, chị xin chính quyền xã Cam Thành cấp cho 20 ha đất ven thượng nguồn sông Hiếu ở thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành để lập trang trại.
Với 20 ha đất được cấp, chị quy hoạch trang trại, giành 3.000m2 làm vườn ươm cây giống các loại như bời lời đỏ, gió trầm, huê (thường gọi là huỳnh đàn hay sưa), tiêu, cao su, cam,… để trồng ở trang trại và phục vụ nhu cầu cây giống trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Chị cũng quy hoạch 500m2 làm chuồng trại chăn nuôi 20 con bò, 150 con lợn, 500 con gia cầm, thủy cầm và thuê nhân công đào 2 hồ nuôi cá với diện tích 500m2; 16,5 ha đất còn lại chị trồng rừng. Với 3.000m2 vườn ươm tại thôn Tân Xuân 1 và mượn đất làm vườn ươm ở nhiều huyện trong tỉnh, bình quân mỗi năm doanh nghiệp của chị sản xuất và cung cấp khoảng 50 triệu cây giống cho thị trường.
Chị Oanh cho biết, hiện nay cây giống của Doanh nghiệp không những chỉ cung ứng trên địa bàn tỉnh mà còn cung ứng cho các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Để đạt được uy tín như vậy, chị luôn tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trong sách báo cũng như các bạn bè đồng nghiệp về các kỹ thuật ươm cây giống tốt nhất, các giống cây khoẻ, chịu được thời tiết khắc nghiệt và mang lại hiệu quả kinh tế cao để ươm giống cung cấp cho thị trường. Trong năm 2007, Doanh nghiệp Tân Thành đạt tổng doanh thu khoảng 3 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí doanh nghiệp còn lãi được trên 300 triệu đồng.
Hiện nay doanh nghiệp giải quyết được việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại trang trại, vào thời vụ thu hoạch có khi lên đến 60 đến 70 người. Doanh nghiệp đã phối hợp đầu tư về kinh phí và kỹ thuật với các hộ dân ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam tiến hành trồng 1.000 ha rừng. Dự kiến, khi thu hoạch diện tích rừng này sẽ cho lợi nhuận khoảng 15 tỷ đồng; theo thoả thuận giữa các hộ dân với doanh nghiệp theo tỷ lệ 50/50 thì doanh nghiệp sẽ lãi được khoảng 7,5 tỷ đồng.