Quốc lộ 14C từ biên giới Campuchia về huyện Đắc Mil (tỉnh Đắc Nông) được coi là “con đường huyết mạch” của gỗ lậu. Mỗi đêm có hàng trăm xe máy độ chế chở theo những khúc gỗ nặng hơn nửa tấn, phóng bạt mạng để tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng. Nhưng quái xế cũng sẵn sàng lao xe vào lực lượng kiểm lâm, chống người thi hành công vụ rất quyết liệt.
Và nhiều người trong đoàn quân gỗ lậu đã phải bỏ xác dọc đường, để lại biết bao nỗi đau cho người thân. Đường 14C, do vậy, cũng là “con đường tử thần” của lâm tặc.
Nỗi đau người sống
Đến nhà chị Phạm Thị Thuận – ở thôn 9A, xã Đắc Lao lúc trời nhá nhem tối. Căn nhà ván tối om, lạnh ngắt. Hai cháu nhỏ – cháu lớn mới 4 tuổi, cháu nhỏ 2 tuổi – dắt nhau ra ngõ ngóng cặp mắt ngây thơ đợi mẹ. Hàng ngày, chị Thuận đi rẫy xa, hai cháu tự đến trường mẫu giáo, đến chập choạng tối lại tự đưa nhau về.
Hoàng Văn Hoan bị gỗ đè chết, bỏ lại hai con nhỏ. Các cháu đang đợi mẹ lúc trời nhá nhem tối, nhưng mẹ chúng đi rẫy vẫn chưa về. |
Chiều nay cũng vậy. Chị chỉ kịp vứt đồ đạc ngoài thềm rồi vội vã bật đèn, nấu cơm. Các cháu vốc cơm nguội còn thừa của chị mang về ăn trước, cơm chín thì chúng đã ngủ say. Cuộc sống lầm lũi, côi cút cứ thế trôi đi kể từ ngày anh Hoàng Văn Hoan đi chở gỗ rồi không trở về. “Anh ấy muốn có tiền ngay nên mới đi gỗ chứ ở nhà vẫn có ít rẫy, nếu chịu khó làm ăn cũng không đến nỗi. Anh đi được vài chuyến thì gặp chuyện”. Chị Thuận chỉ ngắn gọn như vậy.
Cách nhà chị Thuận vài chục bước chân, vợ chồng anh Trần Văn Quang và chị Mai Thị Hoà vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất con. Em Trần Văn Tuấn mới 18 tuổi, đang học lớp 12 tại Trường THPT Đắc Mil cũng tham gia vào nhóm vận chuyển gỗ lậu. Xe của Tuấn không chịu nổi sức nặng của gỗ nên cong vành, nổ lốp. Khúc gỗ dựng ngược rồi đập thẳng vào đầu Tuấn, đến nỗi bố mẹ không còn nhận ra em nữa.
Thật đáng tiếc, Tuấn là học sinh giỏi nhiều năm liền, từng đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý. Và ước mơ vào Đại học Bách khoa của em cũng không còn cơ hội trở thành hiện thực.
Nhớ những trường hợp thương tâm khác được ông Nguyễn Đức Thuộc – Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Lâm nghiệp xã Đắc Lao – kể lại. Có nhiều người ở Nghệ An, Hà Tĩnh bị gỗ đè chết trên đường 14C, hai-ba ngày không có người nhận xác. Chính quyền địa phương phải cho quan tài, mang về để gần trụ sở UBND xã, cả tuần sau mới có thân nhân từ quê vào đưa về.
Có kẻ tứ cố vô thân phải nằm lại đất khách vĩnh viễn. Nhiều quái xế thoát chết, nhưng tàn phế suốt đời, trở thành gánh nặng cho người thân. Còn tai nạn gãy chân, gãy tay, chấn thương sọ não là chuyện thường ngày trên đường 14C. Mặc dù vậy, nạn khai thác, vận chuyển gỗ lậu trên biên giới vẫn nóng lên từng ngày.
Những chuyến đi… thí mạng
Đêm đầu tháng không trăng. Không gian im phăng phắc, chỉ có tiếng gió ầm ào từ đại ngàn vọng lại. Ngồi bên quốc lộ 14C đợi… lâm tặc. 23 giờ, không gian như bị phá tan bởi tiếng gầm rú kinh hoàng của một đoàn xe máy chở gỗ lậu. Những chiếc xe có hình thù kỳ quái được gắn 2 – 3 đèn chiếu sáng, trên xe ngất ngưởng những súc gỗ to vuông vức. Những quái xế ngồi sát phía trước, khuỳnh hai khuỷu tay, cố sức điều khiển tay lái bằng cả sức nặng toàn thân.
Cứ thế, đoàn xe gỗ lậu gần 20 chiếc phóng ầm ầm qua hai trạm gác của Công ty lâm nghiệp Đắc Mil, tiến thẳng về phía barie Đồn biên phòng 759. “Lặn ngụp” trong màn bụi đỏ dày đặc như sương để đuổi theo họ, nhưng đến chốt barie này thì đoàn xe… mất hút, không biết họ đã lọt qua chốt gác cuối cùng trên độc đạo bằng cách nào(?).
Quốc lộ 14C từ biên giới về thị trấn Đắc Mil khoảng 50km đường đất, được coi là “con đường huyết mạch” của gỗ lậu. Huyện Đắc Mil dẫn đầu tỉnh về số lượng các xưởng mộc, toàn huyện có gần 100 cơ sở mộc – có phép hoặc không phép. Bước vào nhà nghèo là gặp gỗ, mở cửa nhà giàu là thấy đồ dùng sang trọng toàn bằng gỗ quý hiếm. Tất cả đều do “con đường huyết mạch” này. Lâm tặc đưa gỗ về Đắc Mil trong khoảng thời gian từ nửa đêm đến tờ mờ sáng. Chúng “đáp hàng” vào các xưởng mộc, hoặc tập kết gỗ tại một địa điểm nào đó để đưa ra miền Bắc tiêu thụ.
Sáng tinh mơ, không khó để tìm ra hàng chục tiệm sửa xe máy ở xã Đắc Lao và thị trấn Đắc Mil làm chức năng phục hồi công lực cho những “con quái vật” vừa chở hơn nửa tấn gỗ, chạy thục mạng suốt đêm trước.
Sau một hồi lân la, được một lâm tặc ở Đắc Lao diễn giải: “Này là sắt đắp thêm vào sườn xe cho cứng, này là hai phuộc nhún gắn thêm chịu được hơn nửa tấn, can nước có ống chảy chậm làm mát máy, bình nhớt tự động nhỏ giọt vào xích xe … Nếu những thứ này “vận hành” ngon lành, tớ phi một mạch hơn năm chục cây số lên biên giới, cõng về 4 tấc gỗ nặng khoảng 6 tạ. Trông con xe hoành tráng là thế, nhưng sau mỗi chuyến đi về là phải đại tu đấy”.
”Chở nặng thế, đường sá lại nguy hiểm, ông tính cái giá của mạng sống bao nhiêu?”. Minh – người đàn ông khoảng 40 tuổi quê Nghệ An, đang tá túc nhà người quen ở Đắc Lao để đi gỗ – cho biết: “Chở thuê thì mỗi chuyến được một triệu. Mất gỗ chủ chịu, mất xe mình chịu. Nếu là gỗ do mình chặt thì kiếm cả chục triệu chứ ít gì. Tớ chở thuê cho nậu gỗ thôi, mỗi tuần đi 3 chuyến, trừ chi phí còn hơn 2 triệu bạc”.
Có ngăn chặn được không?
Kiếm được nhiều tiền như vậy, chẳng trách đội quân khai thác, vận chuyển gỗ lậu ngày càng hùng hậu. Theo Hạt Kiểm lâm Đắc Mil, mỗi ngày có hàng trăm xe môtô – xe gắn máy độ chế không giấy tờ, không biển kiểm soát ngang nhiên vận chuyển gỗ lậu trên tuyến quốc lộ 14C. Số phương tiện chở gỗ “chuyên nghiệp” được lập danh sách sơ bộ đã hơn 130 chiếc, trong đó 70 chiếc tập trung tại xã Đắc Lao.
Hạt trưởng Ngô Văn Thanh bức xúc: “Thấy xe độ chế nghênh ngang chở xăng dầu, cưa máy đi lại ngoài đường nhưng chúng tôi không làm gì được chúng. Vì trên xe không có gỗ thì chỉ có cảnh sát giao thông mới có quyền kiểm tra, xử lý. Còn nếu bị phát hiện đang chở gỗ, bọn chúng sẵn sàng lao xe vào lực lượng chức năng hoặc đốt xe, vứt gỗ dọc đường, hoặc chống trả quyết liệt. Nhiều đối tượng sau khi bị bắt gỗ đã tìm cách trả thù kiểm lâm”.
Ông Thanh dẫn chứng: 20/12/2007, Phan Quang Thanh (thôn 8, Đắc Lao) mang hung khí đến Hạt Kiểm lâm quậy phá. Trước đó, người chở thuê tang vật cho kiểm lâm cũng bị Thanh đánh đập, khiến anh này sợ quá không dám chở thuê cho hạt nữa. 21/12/2007, Trần Anh Hoài (thôn 1, Đắc Lao) và một số đối tượng khác cũng đến hạt đuổi đánh những cán bộ đã bắt gỗ của hắn vào chiều hôm trước, làm cả hạt náo loạn. Còn các băng nhóm khét tiếng nhất phải kể đến Lê Xuân Trường, Lê Bá Trí (thị trấn Đắc Mil); Trần Hữu Đức, Nguyễn Xuân Trí (Đắc Lao)… Hoạt động khai thác, vận chuyễn gỗ lậu và chống người thi hành công vụ của bọn chúng đều có tổ chức.
Vì sao lâm tặc ngang nhiên lộng hành như vậy mà các ngành chức năng của huyện không có biện pháp ngăn chặn? Ông Thanh cho biết: “Tuyến quốc lộ này thuộc khu vực biên giới nên trước đây huyện giao việc ngăn chặn gỗ lậu cho lực lượng biên phòng. Mặt khác, một số cán bộ địa phương còn làm ngơ cho các đối tượng chở gỗ lậu kiếm sống trong một thời gian khá dài.
Gần đây, số người đi chở gỗ, bị gỗ đè chết nhiều quá nên huyện mới chỉ đạo làm gắt. Chỉ trong tháng 12/2007, chúng tôi đã tịch thu 47 xe môtô độ chế, hơn 7 mét khối gỗ quý hiếm. Sắp tới, Đội Kiểm lâm cơ động của tỉnh sẽ chi viện cho hạt; các lực lượng công an, biên phòng, chính quyền xã cũng sẽ phối hợp truy quét. Chỉ cần làm gắt một thời gian, nạn vận chuyển gỗ lậu trên đường 14C chắc chắn sẽ được ngăn chặn”.
Thực tế, việc truy quét của nhiều lực lượng chức năng trên con đường độc đạo 14C là không khó. Nhưng nếu không có việc làm và thu nhập ổn định, đội quân lâm tặc hàng trăm người sẽ khó mà bỏ nghề phá sơn lâm được. Bởi theo thống kê của UBND xã Đắc Lao, hai phần ba số lâm tặc thuộc diện không nghề nghiệp, không vốn liếng, thiếu đất sản xuất. Dù muốn hay không – và cũng do cơ quan chức năng thiếu kiên quyết, lâu nay đại ngàn biên giới và quốc lộ 14C vẫn là nơi kiếm cơm của họ. Cho dù ở đó đầy bất trắc.