Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn (RAT).
Có ít nhất 1 cán bộ chuyên ngành trồng trọt hoặc bảo vệ thực vật từ trung cấp trở lên. Đó là một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế RAT. Người sản xuất RAT phải được tập huấn và phải cam kết thực hiện quy định quản lý và quy trình sản xuất RAT.
Muốn tạo ra được sản phẩm RAT cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Đất trồng và giá thể không bị ảnh hưởng trực tiếp các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, bệnh viện, các lò giết mổ gia súc tập trung, nghĩa trang, đường giao thông lớn.
Không sử dụng nước thải công nghiệp, nước thải bệnh viện… chưa qua xử lý để tưới trực tiếp cho rau. Nước tưới cho rau không bị ô nhiễm bởi các sinh vật và hoá chất độc hại, hàm lượng một số hoá chất không vượt quá mức cho phép.
Theo quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất RAT và tổ chức chứng nhận ký hợp đồng về đánh giá, giám sát và cấp giấy chứng nhận sản xuất rau theo quy trình sản xuất RAT. Tổ chức chứng nhận cử cán bộ đánh giá thường xuyên hoặc đột xuất trong quá trình sản xuất rau; khi cần thiết được lấy mẫu rau đại diện để kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn RAT.
Kết quả giám sát là căn cứ để tổ chức chứng nhận quyết định duy trì, tạm đình chỉ, cấp mới hoặc chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đã cấp theo thoả thuận ghi trong hợp đồng đã ký giữa 2 bên.
Trên sản phẩm phải có tên, địa chỉ nơi sản xuất
Tổ chức, cá nhân kinh doanh RAT tại cửa hàng, đại lý phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nội dung kinh doanh rau tươi, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bản phô tô thông báo tiếp nhận bản công bố rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT.
Ngoài ra, sản phẩm rau phải có bao gói, thùng chứa, dây buộc hợp vệ sinh. Trên bao bì hoặc nhãn gắn trực tiếp vào từng sản phẩm tối thiểu phải có tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất RAT và dòng chữ “Rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT”.
Khuyến khích in mã số, mã vạch, lô gô, thương hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất RAT, tổ chức chứng nhận và các thông tin khác trên bao bì hoặc nhãn.
Khi tổ chức, cá nhân kinh doanh theo hình thức cung ứng trực tiếp cho khách hàng, như: nhà máy chế biến, nhà hàng, khách sạn, trường học, bệnh viện, hộ gia đình hoặc bán buôn tại chợ đầu mối phải có Hợp đồng, hoá đơn nhập, xuất, chứng từ ghi nguồn gốc xuất xứ RAT và thời gian nhập, xuất.
Thu hồi giấy chứng nhận nếu tái phạm 3 lần kiểm tra liên tiếp
Tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT, tổ chức chứng nhận vi phạm phải tiến hành khắc phục trong khoảng thời gian nhất định theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra, nếu không sẽ bị thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Các sản phẩm rau không đạt tiêu chuẩn phải tạm dừng thu hoạch, sơ chế để khắc phục hoặc phải tiêu huỷ.
Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm 3 lần kiểm tra liên tiếp, sẽ bị xem xét thu hồi Giấy chứng nhận; chấm dứt hiệu lực bản công bố rau được sản xuất theo quy trình sản xuất RAT…
Tuỳ theo mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân còn bị xử phạt hành chính, trường hợp nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.