TP. Hồ Chí Minh: Thúc rau lớn 5cm/ngày

Nhìn những bó rau, đậu mơn mởn, thật ngon mắt, thậm chí được giới thiệu là rau sạch, mấy ai biết rằng chúng đã được “thúc” bằng thuốc kích thích trước khi mang đi bán không lâu. Thực trạng ấy đang diễn ra ngay tại nhiều vùng trồng rau lớn cung cấp cho TP.HCM.

Vô tư dùng thuốc “tăng phọt”

Vùng trồng rau muống lớn nhất TP.HCM nằm ở phường Thạnh Xuân, quận 12 cung cấp hàng tấn rau mỗi ngày cho các chợ ở thành phố. Tuy nhiên hàng chục héc ta rau muống của phường này lại sống bằng nguồn nước từ kênh Tham Lương.

“Mặc dù biết nước đó toàn chất thải công nghiệp ô nhiễm nghiêm trọng nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác!” – một nông dân trồng rau nói.

Không chỉ cho rau “uống” nước thải công nghiệp độc hại, người trồng rau ở đây còn sử dụng thuốc tăng trưởng trước khi bán. Ngay ở ruộng rau, đã nhặt được hàng loạt chai nhựa, vỏ bao thuốc thực vật vứt bừa bãi ngay trên mặt ruộng.

 onhiem
Nhiều người trồng rau đã coi thường sức khỏe người tiêu dùng khi sử dụng nhiều hóa chất tăng trưởng độc hại.

Theo những người trồng rau, rau muống thường bị rầy phá nên sau mỗi lần thu hoạch, khi rau trơ lại còn gốc thì phải hòa dầu nhớt với nước lã để tưới lên cho rầy bị dính cánh và chết.

Tại các phường Tam Bình, Tam Phú, Linh Đông quận Thủ Đức, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, người dân công khai dùng các loại hóa chất “thúc” cho rau xanh tốt, không sâu bệnh và kích thích rau lớn. Ngoài bao bì các loại hóa chất này chỉ ghi dòng chữ Trung Quốc xanh đỏ.

Ngay cả hai hợp tác xã trồng rau sạch là Tân Phú Trung và Nhuận Đức (Củ Chi) là mô hình điểm để nhân rộng vùng trồng rau an toàn, nhiều hộ dân vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật vô tư.

Ông Bùi Văn Hiệp có trên 1 ha trồng các loại đậu đũa, khổ qua, mướp thuộc hợp tác xã Nhuận Đức thừa nhận: “Trước khi thu hoạch, đêm hôm trước tui thường phun thuốc không cách ly cho rau được tươi và dễ bán hơn!”.

“Thế ai hướng dẫn bác sử dụng thuốc?”, “Thì… ra tiệm thuốc mình hỏi mua loại thuốc không cách ly. Người ta bán thuốc nào thì tui xài thuốc đó, làm nhiều thì quen thôi..!”. Bà Trần Thị Nhẫn – thành viên của hợp tác xã Tân Phú Trung nói: “Ông xã tôi thường đi mua thuốc về phun, tôi chẳng biết nó là thứ gì, cứ làm theo ông xã thôi!”.

Khi hỏi về việc dùng bừa bãi hóa chất thuốc bảo vệ thực vật lên rau, nhiều nông dân cho biết: Những năm trước giá thuê 1.000m2 đất trồng rau chỉ 3 – 4 triệu đồng/năm, nhưng từ 5 tháng nay nhiều chủ đất đội giá lên 6 – 7 triệu đồng, trong khi mỗi năm chỉ trồng được 10 – 12 vụ rau nên phải sử dụng thuốc “tăng phọt” cho rau mới mong kiếm được ít lời.

Để “thúc” rau lớn nhanh như thổi chỉ sau một đêm, nhiều nông dân tìm mua các loại thuốc “tăng phọt” và “kích béo” cho rau nhập lậu từ biên giới Campuchia và Trung Quốc về.

Theo tìm hiểu quy trình phun thuốc “tăng phọt” ở Thới Tam Thôn, người trồng rau chỉ cần một viên thuốc sủi “tăng phọt” chỉ có giá hơn 5.000 đồng là có thể “thúc” cho rau lớn mau đến độ thu hoạch được trước cả 1 tháng.

Pha 1 viên “tăng phọt” vào bình xịt khoảng 20 lít có thể phun cho 100m2 rau. Hôm trước phun, hôm sau thu hoạch, các loại rau dài thêm 5 cm là chuyện thường. Đối với các loại đậu, rau ăn lá cũng “múp” lên và dài ra gấp hai lần ban đầu.

Người trồng rau còn dùng thuốc “kích béo” dạng nước cũng hòa vào với nước để “tẩm bổ” cho các loại rau còi cọc, gầy xơ, lá úa. Hòa đồng thời thuốc “kích béo” với “tăng phọt” phun rau quả cho hiệu quả hơn nhiều so với chỉ phun 1 loại thuốc.

Điều nguy hiểm là gần như 100% số người trồng rau khi được hỏi cho biết họ chỉ nghe đến tác dụng của những loại thuốc trên chứ chưa bao giờ nghe nói đến tác hại của chúng.

Rất nguy hiểm cho người ăn rau

Khi tìm hiểu việc trồng rau ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn và phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, được biết các loại thuốc “tăng phọt” đều được chuyển từ ngoài Bắc, sau đó được tiêu thụ chủ yếu tại chợ Hiệp Thành ở phường Hiệp Thành, quận 12.

Đa số thuốc này đã bị bóc nhãn mác, thành phần nên không thể phân biệt được là thuốc gì. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, thuốc “kích béo” có giá 5.500 đồng/một viên và 15.000 đồng/gói cho loại tăng phọt dạng nước. Các loại thuốc này sau khi mua về được phun khoảng hai ngày trước khi thu hoạch. Nếu không thu hoạch để bán kịp thì rau sẽ đỏ tím và rũ héo vì “ngậm” thuốc này.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp (KHKTNN) thuộc Viện KHKTNN miền Nam – cho biết: Thuốc này có dạng viên sủi và có khả năng kích thích tăng trưởng trong thời gian rất ngắn. Nếu như phun thuốc vào hôm trước thì hôm sau các loại rau đã xanh tốt mơn mởn và có thể dài thêm khoảng 5cm.

“Hiện chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu được các thành phần trong loại thuốc “tăng phọt” này vì không thể tìm được thành phần, nhãn mác trên bao bì. Vì vậy, để tìm hiểu thực hư công dụng của thuốc này phải phân tích rau trong vùng dùng thuốc “tăng phọt” có các thành phần gì mới có kết luận được. Tuy nhiên, một khi thuốc này có khả năng giúp rau tăng trưởng “đột biến” như vậy là một điều bất bình thường, rất nguy hiểm cho người ăn rau” – TS Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, các chất kích thích điều hòa sinh trưởng như Proginn hay Toponsu kích thích giúp chu kỳ thu hoạch rau nhanh đều độc hại, tuỳ theo mức độ sử dụng.