Bà Huỳnh Thị Thu Hà, chuyên viên môi trường của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sẽ có có khoảng 10 dự án CDM (cơ chế phát triển sạch) được triển khai trong năm 2008.
CDM là dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính được Ban chấp hành quốc tế về CDM chấp thuận đăng ký và cấp chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CERs).
Theo bà Hà, tiếp sau Đông Thạnh, bãi rác Phước Hiệp 1 của thành phố sẽ được đưa vào danh mục triển khai thực hiện dự án CDM và sau Phước Hiệp 1, là các dự án CDM về thay thế các chất dung môi trong việc làm lạnh.
Một trong những trại chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường của thành phố cũng sẽ được chọn để thực hiện CDM bằng cách xử lý phân, nước thải của lợn làm biogas. Bên cạnh đó, một số nhà máy, xí nghiệp có công nghệ lạc hậu, ít hoặc không có điều kiện xử lý chất thải cũng có khả năng tham gia CDM.
Công ty TNHH Phân bón Hòa Bình – đơn vị đầu tiên và duy nhất của thành phố xử lý phân hầm cầu, cũng có tên trong đợt lựa chọn này.
Theo các nhà bảo vệ môi trường, việc hàng loạt các dự án CDM sẽ được triển khai là một tín hiệu tốt trong công tác bảo vệ môi trường bởi nếu triển khai thành công, thành phố không những sẽ xanh, sạch hơn mà còn thu được một khoản tiền không nhỏ từ các dự án này.
Theo bà Hà, Thành phố Hồ Chí Minh rất có tiềm năng về CDM. Sắp tới, thành phố sẽ đánh giá lại toàn bộ khả năng này và sẽ có các chính sách thu hút đầu tư vào đây. Thành phố sẽ mời chuyên gia môi trường của các nước đến để chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ môi trường và thực hiện các dự án CDM. 25 cán bộ của thành phố cũng sẽ được cử đi nước ngoài học về CDM để giúp thành phố triển khai thành công chương trình này.
Hội nghị về Công ước biến đổi khí hậu được tổ chức vào ngày 06/12/2007 vừa qua tại Bali, Inđônêxia nhận định Việt Nam sẽ thu được khoảng 250 triệu USD từ các dự án CDM trong vòng 4 năm tới (2008-2012), trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khả năng đạt mức thu cao nhất.
Theo các nhà khoa học, GDP Việt Nam sẽ tăng liên tục trong các năm tới, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để đạt được sự tăng trưởng này, nhu cầu về năng lượng cho công nghiệp, giao thông và các hoạt động khác sẽ tăng rất nhiều. Việc sử dụng chủ yếu các loại nhiên liệu địa khai như than đá, dầu mỏ và khí thiên nhiên chắc chắn sẽ làm tăng lượng khí phát thải vào môi trường. Do vậy, việc triển khai mạnh mẽ các dự án CDM sẽ là yêu cầu cấp thiết.