Trong con mắt các chuyên gia môi trường, Khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang là một trong các khu vực giàu có nhất về đa dạng sinh học, đặc biệt là rạn san hô phong phú hơn bất kỳ nơi nào được khảo sát trên các vùng biển nước ta. Nhưng sinh cảnh biển tuyệt vời ấy lại bị đe dọa từ các hoạt động của con người. Vì lẽ đó 16.000 ha vùng đảo này luôn là điểm ưu tiên số 1 của các dự án liên quan đến bảo tồn biển.
Làm cách nào để 80% người dân có thu nhập chính từ đánh bắt thủy sản thiếu nguồn từ nước ngọt, điện, đến các dịch vụ y tế có thể tiếp tục duy trì cuộc sống khi diện tích mặt nước có thể khai thác kiếm sống bị thu hẹp lại theo quy chế phân vùng của khu bảo tồn? Nghiêm trọng hơn cho những người suốt ngày đêm sống bằng nghề câu cá mực hoặc lặn biển đánh mực tại các đảo Vũng Ngán, Đầm Báy, Trí Nguyên – nơi nguồn nước ngọt thiếu 8-9 tháng trong năm đang phải trả từ 40.000 – 80.000 đồng để mua một mét khối nước sạch chuyển từ đất liền ra.
Giải quyết vấn đề thu nhập cho người dân sống trong và xung quanh khu bảo tồn Hòn Mun bị ảnh hưởng bởi hoạt động quản lý của khu bảo tồn, trong giai đọan triển khai dự án thí điểm từ 2001 đến năm 2005, các phòng ban của tỉnh đã đề xuất mô hình nuôi tôm hùm “kèm” cá thờn bơn, cá mú, rong sụn, vẹm xanh; tổ chức cho các hộ đan song mây, đan lưới thể thao, làm mành ốc, buôn bán nhỏ, chăn nuôi gia súc, chở khách bằng thúng đáy kính…
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, kết quả các mô hình thử nghiệm này không thành công như mong đợi. Chỉ có 14,6% số hộ có thu nhập thực sự từ các nguồn thu nhập thay thế với số tiền chỉ bằng 18% tổng thu nhập. Đan song mây là nghề mới được nhiều người tham gia nhất, nhưng đến năm 2007 họat động này cũng chấm dứt vì khỏan tiền thu được quá ít ỏi .
Trước khi tiếp tục triển khai hỗ trợ cho khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang, Hợp phần sinh kế bền vững trong và xung quanh khu bảo tồn biển (LMPA) đánh giá lại tòan bộ các hoạt động sinh kế từ năm 2001 tới 2006, loại bỏ những nghề không phù hợp với điều kiện tự nhiên hoặc không đem lại hiệu quả kinh tế với từng xã đảo.
Dự án quyết định lựa chọn các mô hình không phải đầu tư nhiều, dễ thực hiện, hiệu quả và góp phần bảo vệ sinh cảnh biển. Chẳng hạn với người dân ở đảo Trí Nguyên thì không nên nuôi tôm hùm, mà nên làm mành ốc; người dân ở Bích Đầm 1 cũng không nên nuôi tôm hùm mà nên nuôi rong sụn trong thời gian phù hợp và có nguồn giống ổn định…
Nhận thấy nghề làm mành ốc thu nhập không cao, nhưng dễ thực hiện, cả người già, trẻ em, phụ nữ đều có thể tranh thủ thời gian tham gia, LMPA đã hỗ trợ cán bộ Ban Quản lý khu bảo tồn, một số chị em trong Hội Phụ nữ tiến hành khảo sát đánh giá nhanh thị trường tại thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Phú Yên.
Kết quả khảo sát giúp họ nhận ra, mành ốc không tiêu thụ tại thị trường trong nước, mà chủ yếu xuất sang Nga để sau đó tiếp tục được đưa tới các nước Đông Âu khác. Đoàn khảo sát còn xác định được ba vùng nguyên liệu chủ yếu là Vũng Tàu, Khánh Hòa và Vạn Ninh.
Từ những nhận định này, Ban Quản lý khu bảo tồn và Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên quyết định sẽ tổ chức một cuộc hội thảo lấy ý kiến cộng đồng nhằm hòan thiện đề cương vay vốn hỗ trợ từ dự án và xây dựng quy chế phát triển nghề mành ốc.
Trong nuôi trồng thủy sản, LMPA lựa chọn nghề nuôi bào ngư vừa có giá trị kinh tế cao, vừa không ảnh hưởng đến môi trường biển vì thức ăn chủ yếu của bào ngư là rong câu. Sau khi nuôi thử nghiệm bào ngư thành công qui mô nhỏ tại trại nuôi của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 Nha Trang, bào ngư được tiếp tục nuôi thử nghiệm tại vùng biển khu bảo tồn Hòn Mun từ tháng 06/2007. Đến nay 85% bào ngư nuôi thử nghiệm tại đây đã sống và lớn gấp 4 lần lúc mới thả. Thực tế này đang trở thành niềm hy vọng mới cho người dân mong muốn có nguồn sống ổn định.
LMPA còn quyết định hỗ trợ khôi phục lại đội hò Bá Trạo trên đảo Hòn Một và Trí Nguyên, mỗi đội 12 người với trang thiết bị mới cùng với quy chế hoạt động sẵn sàng biểu diễn phục vụ khách du lịch. Sự hỗ trợ này rất có ý nghĩa vì hò Bá Trạo vốn là một họat động tín ngưỡng truyền thống, của người dân trên các khóm đảo.
Trước đây trong các buổi tế lễ quan trọng như cúng đầu năm, cúng đầu mùa ra khơi đánh bắt, Lễ nghinh ông… đều không thể thiếu hò Bá Trạo, nhưng lại bị mai một vì nghệ nhân tâm huyết còn quá ít ỏi, trang thiết bị biểu diễn cũ nát. Họat động này vừa khôi phục, duy trì nếp văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho lực lượng thanh niên đang bị thu hẹp vùng biển khai thác. Hy vọng những đêm trình diễn hò Bá Trạo sẽ lưu luyến mãi trong lòng du khách mỗi khi nhớ về vùng biển Nha Trang xinh đẹp.