1,5 triệu dân dùng nước từ sông Sài Gòn ô nhiễm

Cơ quan chức năng đều biết rõ chất lượng nước sông Sài Gòn ngày càng suy giảm, nhưng tới nay cũng chưa có giải pháp nào cụ thể để bảo vệ nguồn nước đang cung cấp cho hơn 1,5 triệu người dân thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Hệ thống xử lý nước họat động hết công suất

Một cán bộ kỹ thuật ở Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tỏ ra bức xúc vì đã chờ đợi quá lâu mà các cơ quan bảo vệ môi trường thành phố vẫn chưa có giải pháp bảo vệ môi trường nước sông Sài Gòn, trong khi Sawaco hiện nay phải theo dõi diễn biến chất lượng nước con sông này hằng giờ.

Ông Võ Quang Châu, Phó tổng giám đốc Sawaco nói: “Chúng tôi quan tâm nhất là các chỉ số biến đổi amoniac, mangan, sắt, coliform và độ đục của nước sông Sài Gòn. Nhưng dù chất lượng nước sông có thay đổi như thế nào, thì chất lượng nước sau khi xử lý cũng đều tốt hơn tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, nếu chất lượng nước sông không được cải thiện, thì việc xử lý nước của Nhà máy nước Tân Hiệp sẽ càng khó khăn”.

Giám đốc Nhà máy nước Tân Hiệp, ông Bùi Thanh Giang cho biết, từ năm 2004 đến nay, chất lượng nguồn nước sông suy giảm rất nhanh qua từng năm. Đặc biệt amoniac tăng rất cao, nếu trước đây tăng theo mùa, theo thủy triều, thì nay tình trạng ô nhiễm này gần như tăng giảm thường xuyên trong ngày. Điều này dẫn đến công suất hệ thống châm hóa chất để xử lý nước phải hoạt động ở mức sát tải thiết kế, có lúc quá tải (hệ thống châm clor). Lượng hóa chất sử dụng tăng cao dần qua các năm 2005-2007. Ông Bùi Thanh Giang cũng nói thêm, Nhà máy nước Tân Hiệp không có khả năng xử lý nếu có các chất độc hại xuất hiện trong nước sông. Nước sông bị nhiễm những chất gì?

 on
Nước thải từ cống là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn (Ảnh: Trần Duy).

Trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi đang bị ô nhiễm “bao vây” từ phía thượng nguồn lẫn hạ nguồn. Ông Bùi Thanh Giang cho biết, phía thượng nguồn thì ô nhiễm nước sinh hoạt và công nghiệp từ Bình Dương theo nhánh sông Thị Tính đổ ra sông Sài Gòn, cùng với các cống xả, kênh rạch từ các khu dân cư (không loại trừ chất thải công nghiệp) ở lân cận trạm bơm; còn phía hạ nguồn có nước thải từ Khu công nghiệp Tân Quy, Tân Phú Trung chảy từ rạch Bà Bếp đổ ra sông Sài Gòn.

Những năm qua, Sawaco và nhiều hộ dân ở TP.HCM đã từng phải xả bỏ nước đục do nguồn nước sông Sài Gòn bị nhiễm mangan (Mn) và sắt. Nhóm nghiên cứu thuộc khoa Môi trường, trường Đại học Bách khoa TP.HCM và khoa Kỹ thuật đô thị, trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) mới đây có khảo sát, đánh giá về ô nhiễm do Mn, sắt và coliforms trên sông Sài Gòn, với kết luận nồng độ Mn tổng và sắt tổng trên sông Sài Gòn đã vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt loại A (dùng cho sản xuất nước uống – TN) và đang là nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng nước cấp. Khảo sát dọc theo sông Sài Gòn cho thấy, pH chỉ đạt tiêu chuẩn nước mặt loại B (5,5-9), DO rất thấp, vi sinh cao vượt tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sử dụng làm nước cấp.

Từ tháng 1 – 5 hằng năm, sông Sài Gòn còn bị nhiễm mặn và Sawaco phải tốn khoảng 3-4 tỉ đồng mỗi năm để Công ty khai thác thủy lợi Dầu Tiếng xả nước hồ, đẩy mặn trên sông Sài Gòn, nếu không, hơn 1,5 triệu người dân Sài Gòn sẽ phải uống nước bị nhiễm mặn.

Bảo vệ môi trường nước – việc cấp bách

GS.TS Lâm Minh Triết, Viện trưởng Viện Nước và công nghệ môi trường – nói về những mối đe dọa từ chuyện ô nhiễm dòng sông Sài Gòn: “Chưa bao giờ sông Sài Gòn được quan tâm nhiều như hiện nay bởi những diễn biến ngày càng xấu về chất lượng nước của dòng sông đe dọa nghiêm trọng đến đời sống xã hội; trước hết đe dọa trực tiếp đến nhu cầu cấp nước cho thành phố và đe dọa nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của TP.HCM, Tây Ninh và Bình Dương trên lưu vực sông Sài Gòn”.

GS.TS Lâm Minh Triết cho rằng, đến lúc cần phải thực hiện một chương trình nghiên cứu bài bản và thực sự nghiêm túc, có cơ sở khoa học và thực tiễn xác định chính xác được các nguyên nhân gây ô nhiễm, nhằm đề xuất các giải pháp bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn. “Chúng ta sẽ có lỗi rất to lớn với nhân dân trên lưu vực sông và thế hệ mai sau nếu chúng ta không gìn giữ, không bảo vệ được nguồn nước sông Sài Gòn” – GS.TS Lâm Minh Triết nói.

Báo chí đã tốn nhiều giấy mực lên tiếng báo động về tình trạng ô nhiễm trên sông Sài Gòn. Cuối năm 2007, ông Nguyễn Văn Phước, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã giao cho Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Phòng Quản lý môi trường của Sở phối hợp cùng với Viện Nước và công nghệ môi trường trong quý 1/2008 phải xây dựng xong kế hoạch bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn, trước mắt cho khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp (ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi). Nghĩa là còn phải đợi xong kế hoạch, bàn triển khai, tổ chức thực hiện và còn nhiều bước nữa – trong khi nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm hơn.