Khoảng 4 năm trở lại đây, khi rừng phòng hộ được phục hồi và phát triển, nhiều loài thủy sinh vật sống trong môi trường ven biển đã sinh sôi khá nhiều tại khu vực các bãi bồi ven biển, trong rừng phòng hộ tỉnh Trà Vinh. Hàng năm, từ tháng 4 đến tháng Giêng âm lịch là mùa khai thác đánh bắt cá kèo con; từ tháng 9 đến tháng 4 vào mùa cua biển con và từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa khai thác nghêu – sò huyết giống. Theo lịch trình đó, gần như người dân vùng ven biển tỉnh Trà Vinh có việc làm quanh năm.
Mỗi con cua biển bằng “hạt tiêu” cho đến “hạt me” có giá từ 700-5.000 đồng; mỗi ký cá kèo con, nghêu – sò huyết giống có thể lên đến 350.000-600.000 đồng, tùy thời điểm. Chỉ cần bỏ ra chừng 3-4 tiếng đồng hồ ra bãi bồi ven biển không cần phải trang bị nhiều, người lớn hay trẻ em cũng có thể kiếm được 10.000-20.000 đồng, thậm chí lên đến hàng trăm ngàn đồng. Cả xóm nghèo ven biển Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang, hầu như không làm gì khác ngoài chuyện tập trung ra bãi để “săn bắt nguồn lợi của thiên nhiên ưu đãi hàng năm”.
Anh Nguyễn Minh Hùng, một cư dân gắn bó lâu năm với vùng biển ấp Nhì xã Mỹ Long Nam, nói: “Đa số dân vùng này thiếu đất hoặc không có đất sản xuất. Tất cả đều trông cậy vào chuyện đi ra bãi bồi ven biển để đánh bắt kiếm sống. Nhưng kẹt nỗi, do nghèo không có phương tiện nên họ cũng quanh quẩn gần bờ thôi. Nhờ rừng được trồng lại trong mấy năm gần đây nên cua, cá nhiều, có được thu nhập khá, bà con ai cũng mừng”.
Bây giờ là đang vào mùa đi bắt cua biển con và cá kèo giống, suốt tuyến bãi bồi ven biển không khi nào vắng bóng người. Những “thợ săn” thiện chiến nhất luôn là những đứa trẻ từ 15 tuổi trở lại, do mắt của chúng rất tinh và ít bị lún sình. Em Trần Văn Trí (ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam) là một tay “sát cua”. Chỉ 3-4 giờ trong buổi sáng em có thể bắt được 80 con cua con, với giá bán 700 đồng/con cũng thu được 56.000 đồng. Trong khi đó, những đứa trẻ khác cũng bắt được 40 – 50 con, thu được 28.000-35.000 đồng.
Chị Đặng Thị Triển, chủ vựa thu mua cua con ở ấp Tư, xã Mỹ Long Nam, kể: “Vào những ngày vô con nước, tôi mua được từ 8.000 đến 10.000 con cua con các loại. Cua biển ở đây nhiều lắm, mỗi ngày có 5-6 chủ vựa thu mua được hàng ngàn con”.
Anh Dương Văn Điện, Trưởng Trạm kiểm lâm thuộc Phòng Nông nghiệp – Thủy sản huyện Cầu Ngang, cho biết: Trước đây người đi săn chỉ bắt cua biển. Thời gian gần đây, có thêm nghề bắt cá kèo giống, nghêu – sò huyết giống, nên thu nhập của nhiều người dân ở đây cũng được tăng thêm… Tuy nhiên, trong số này chỉ có cá kèo giống là ổn định hơn cả, hai đối tượng còn lại xuất hiện rất bất thường. Cá kèo giống giá bán rất hấp dẫn, từ 150.000 – 400.000 đồng/kg (tùy thời điểm). Vì vậy, những “thợ săn” hoạt động với cường độ ngày một cao hơn.
Ông Hồ Hoàng Hà – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tỉnh Trà Vinh, cho biết: “Mức độ khai thác như hiện nay rõ ràng ảnh hưởng rất lớn đến đến sự phục hồi của một số giống loài thủy sản. Nhưng việc cấm khai thác cũng hết sức khó khăn do đa số ngư dân hành nghề này đều là người nghèo, không có đất sản xuất, không có nghề nghiệp nào khác”. Những cảnh báo trên rất đáng ngại khi mà hầu hết cư dân vùng biển Mỹ Long Nam đang sống nhờ vào “của trời cho” và tiếp tục khai thác kiểu tận diệt. Nhưng thiên nhiên liệu có mãi hào phóng với con người?