Những bó rau xanh ngắt, non mởn, những ngọn rau bí mỡ màng… lại được bán rất nhiều trên thị trường trong cái thời điểm giá rét, sương muối. Người tiêu dùng hoặc do chủ quan, hoặc không biết nên thực chất nhiều bó rau xanh, non ăn hàng ngày là nhờ thuốc kích thích.
Rau ăn khác rau bán
Thời tiết càng về gần Tết Nguyên đán càng giá rét, kèm theo sương muối, người ta gọi thời tiết kiểu này là rét hại, tức không tốt cho cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, với rau, khả năng chịu rét kém, lại thêm sương muối thì khó lòng mà phát triển bình thường được. ấy vậy mà, chỉ cần đi một vòng quanh các vùng trồng rau ở Hà Nội, Hà Tây… thì lại thấy sự thực không phải như vậy.
Tuy trời giá rét, nhưng rau gì cũng lên xanh nõn nà, tươi tốt như rau mùa hè, nhất là những loại rau ăn lá: Rau cải, rau muống, rau bí…, từ rau trái vụ hay rau đúng vụ không thể phân biệt được.
Tìm đến vùng trồng rau muống làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội được tận mắt chứng kiến, những ruộng rau muống trái vụ, dưới tiết trời rét buốt, sương muối nhưng vẫn xanh nõn, 100 ngọn đều như 100, không sâu, không úa…
Người phụ nữ vừa thoăn thoắt bó rau, vừa nói chuyện. Chị quê ở Phú Xuyên – Hà Tây lên đây trọ cùng con gái và thuê đất làm rau. Chị cho biết, một lứa rau muống mùa này chỉ độ từ 15-20 ngày là thu hoạch, tính ra, một tháng chị thu hoạch rau 2 lần.
Theo chị, trung bình một tháng cũng cho thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Mặc dù, người phụ nữ khẳng định ruộng rau nhà mình không sử dụng thuốc kích thích, chỉ dùng phân nhưng lại đổ thừa cho nhà khác, những người trồng rau ham lợi mới dùng.
Hơn nữa, chỉ cần làm phép so sánh ruộng rau đang thu hoạch đó, với một mảnh rau nhỏ (người ta trồng riêng để ăn) cũng thấy rõ được sự khác nhau một trời, một vực. Mảnh đất trồng rau để ăn như không có sức sống, nhìn như “rau chết rét”, còi cọc, lá xanh thì ít, lá vàng úa thì nhiều. Hỏi thì chị giải thích: “Đấy là người ta chưa chăm bón”!
Tuy nhiên, ông Trần Đức Vinh – Chủ nhiệm HTX rau Yên Mỹ cho biết: “Vào mùa này, với rau ăn lá chỉ có cải cúc và cải bó xôi (chỉ dùng trong nhà hàng, khách sạn) là không phải phun thuốc, còn bất kỳ loại nào cũng phải phun thuốc nếu muốn rau phát triển nhanh và mã đẹp. Còn không, rau muống thì úa vàng, khó lên, rau cải thì xanh xỉn, lá rỗ như mắt sàng, chúng tôi còn tưởng phải bỏ đi”.
Vừa nói, ông Vinh vừa đưa bó rau cải được trồng theo quy trình an toàn lên để chứng minh. Bó rau cải xanh nát bươm, lá rỗ nhằng nhịt, ông khẳng định: “Đây mới thực sự là rau sạch, không dùng thuốc nên mới bị như vậy, nhưng ăn thì đảm bảo tuyệt đối”.
Tràn lan thuốc kích thích
Một nông dân có thâm niên trồng rau ở Thanh Liệt – Thanh Trì đang hái rau trên ruộng rau “dành cho nhà ăn”, khi được hỏi, chị cho biết: “Rau này không chăm bón gì cả, mùa này rau muống trái vụ, khó lên lắm. Nếu muốn lên được, lên nhanh phải dùng thuốc. Người ngoài phố chỉ chọn mua những bó rau nhìn ngon mắt, hễ lá có sâu, lá úa thì chê rau già, nhưng họ không biết ăn những rau ấy mới thấy ngọt, và đảm bảo”.
Chị tâm sự thêm: “Để trồng rau theo kiểu ngày xưa thì khó, mất công sức hơn, chứ trồng rau bây giờ nhàn lắm, mà thu nhập cũng khá. Bất cứ rau gì cũng có thuốc kích thích, từ ra hoa nhiều, đến đậu quả và kích thích phát triển nhanh.
Với lại dùng phân thì đắt, mà không nhanh tốt, rau không ngon bằng dùng thuốc. Phun từ 2-3 ngày, khi rau vươn ngọn là thu hoạch”. “Phải hái nhanh chứ không do thuốc kích thích, kéo dài thêm vài ngày là thành quá lứa”.
Cánh đồng rau thuộc xã Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì có phần còn xanh tốt hơn, vì ở đây, rau khá đa dạng về chủng loại, ngoài rau muống còn có rau cần, cải xoong… Cánh đồng rau vào khoảng 5h chiều, lác đác có người đang phun thứ dung dịch không tên lên rau. Chị T.X (Vĩnh Quỳnh) đang mải miết phun cho xong mấy ruộng rau muống còn tranh thủ hái để mai đi chợ.
Xung quanh ruộng rau được phun ướt đẫm dung dịch, một hỗn hợp vừa hăng hắc, vừa khai nồng bốc lên. “Phun nước giải để chống cháy chứ có thuốc gì đâu”, trong khi đó ruộng rau đang thu hoạch dở. Hơn nữa, chị T.X bảo chỉ phun nước giải nhưng trên đầu ruộng rau là một túi vỏ thuốc, cái thì dùng dở, cái thì vừa bóc.
Mang những vỏ thuốc thu thập được trên ruộng rau muống và ruộng rau cải phản ánh với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, được biết, trong số nhãn mác đó một loại là kích thích tăng trưởng, còn gói màu hồng, toàn chữ Trung Quốc thì phía chi cục cũng “bó tay” không biết, và khẳng định, đó là thuốc nhập lậu, ngoài danh mục.
Theo tìm hiểu, dùng thuốc kích thích tốc độ tăng trưởng của cây rút ngắn lại chỉ còn bằng 1/3 so với trồng và bón phân theo quy trình thông thường. Với thời tiết này, rau muống, rau cải muốn thu hoạch phải từ 35-40 ngày.
Bên cạnh đó, rau càng về gần dịp Tết Nguyên đán càng trở nên đắt đỏ, phần vì ý thức kém, phần vì lợi nhuận mà người trồng rau cứ lấy thuốc kích thích phun cho rau. Mặt khác, việc mua các loại thuốc kích thích rau quả vừa rẻ, vừa dễ, nhất là với các loại thuốc ngoài danh mục khả năng kích thích tăng trưởng mạnh hơn, rẻ hơn.
Bên cạnh đó, ghi nhận tại vùng trồng rau thuộc xã Vĩnh Quỳnh thấy, hiện nay nhiều loại rau xuất hiện sâu, bọ nên mặc dù là rau ăn lá nhưng người trồng lại sử dụng thuốc trừ sâu cấm dùng cho rau ăn lá để phun. Phổ biến là những loại thuốc ngoại có nhãn bằng tiếng Trung Quốc, Nhật, Mỹ…
Rõ ràng, việc dùng thuốc kích thích cho rau đang ở mức báo động, tác hại trước mắt thì không ai nhìn thấy, nhưng về lâu dài thì thật khôn lường.