Trước đây, do bức bách về nhu cầu chôn lấp rác thải sinh hoạt, một số huyện của tỉnh Cần Thơ (cũ) đã xây dựng các bãi rác ở ven thị trấn, thị tứ để chôn lắp rác thải sinh hoạt. Giờ đây, nhiều huyện đã trở thành quận, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, những bãi rác đó giờ nằm “lọt thỏm” giữ lòng các đô thị; kèm theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhiều nơi, hằng ngày người dân “sống chung với ô nhiễm”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cử tri đã kiến nghị, nhưng các bãi rác “trong lòng đô thị” vẫn chưa được di dời, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng…
Ô nhiễm từ những bãi rác
Đi trên Quốc lộ 91, đoạn qua địa phận ấp Quy Thạnh 1, xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt, nơi có bãi chôn lấp, xử lý rác tập trung của huyện, người đi đường dễ dàng cảm nhận mùi “đặc trưng” của những bãi rác. Địa điểm được xây dựng bãi rác chỉ cách trung tâm xã Trung Kiên chừng 3 km và cách trung tâm thị trấn Thốt Nốt khoảng 2 km, từ Quốc lộ 91 nhìn vào, bãi rác nhô cao lên phía sau khu dân cư, khói nghi ngút bay theo chiều gió. Xung quanh bãi rác là các khu dân cư đông đúc và những mảnh vườn, ruộng đã được cắm mốc chia lô nền, một dấu hiệu cho thấy sẽ có nhiều căn nhà nữa sẽ được xây dựng ở đây trong tương lai.
Anh Nguyễn Văn Chinh, một người dân ở cách bãi rác chừng 100m, cho biết: “Bãi rác được xây dựng khoảng năm 1996-1997, cũng có tường rào, nhưng những bức tường này không hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường do bãi rác gây ra. Gần 200 hộ dân ở rạch Bông Giang này, mỗi mùa có nỗi khổ riêng”.
Theo anh Chinh, vào mùa mưa, nước thải của bãi rác chảy ra đen kịt, đổ ra rạch Bông Giang làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân; còn mùa nắng, rạch Bông Giang khô cạn lại bị nước thải của bãi rác chảy xuống nên người dân không có nước sạch để dùng.
Chị Nguyễn Thị Thu, hàng xóm của anh Chinh, nói: “Một, hai năm gần đây đã có nhiều người khoan nước giếng bơm tay để sử dụng. Nhưng do dân ở đây còn nghèo nên nhiều hộ vẫn phải đợi nước lớn, múc nước lóng phèn để dành tắm giặt, còn nước nấu ăn, uống phải sử dụng nhờ từ nước giếng khoan của hàng xóm, như gia đình tôi chẳng hạn”.
Bà Nguyễn Thị Mạnh, 76 tuổi, than thở: “Tuổi đã cao, muốn có nơi không khí trong lành, hóng mát cho khuây khỏa, nhưng ở đây lúc nào cũng có khói, mùi hôi nồng nặc chịu không nổi. Tội cho mấy đứa trẻ con hàng xóm, cứ hay bị bệnh lắm, không biết có phải vì hít mùi hôi từ bãi rác không?”. Bà Mạnh còn kể, vào mùa mưa, có những đám cưới, đám giỗ vừa ăn cổ, vừa đuổi ruồi!
Chỉ đi ngang qua bãi rác đã cảm thấy khó chịu, huống hồ người dân ở đây hằng ngày phải hứng chịu cảnh bụi bặm, hôi thối. Anh Nguyễn Văn Du, một người dân ở đây, cho biết: “ Bà con đã viết đơn kiến nghị với các cơ quan chức năng nhiều lần. Nhưng rồi bãi rác ngày càng nhiều hơn, dân khổ hơn”.
Thật ra, những bức xúc của bà con đã được chính quyền địa phương thấy rõ và chia sẻ. Ông Tô Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND, đại biểu Hội đồng nhân dân xã Trung Kiên, nói: “Đây là nơi tập trung rác thải của thị trấn Thốt Nốt, các xã Trung Kiên, Trung An, Thới Thuận,… Đã từ lâu, không đợi đến các cuộc tiếp xúc cử tri hay hội họp bình thường, mà hễ khi nào có cơ hội là người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm của bãi rác này. Người dân phản ứng vì môi trường bị ô nhiễm nặng, sức khỏe bị ảnh hưởng”.
So với bãi rác ở xã Trung Kiên, bãi rác trên đường Trần Hưng Đạo (nối dài) thuộc khu vực 13, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, “nổi tiếng” hơn, vì tình trạng ô nhiễm của bãi rác này đã được nêu ra trong các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố.
Trong báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri đóng góp cho kỳ họp cuối năm 2006, đã nêu: “Bãi rác của quận Ô Môn nằm trong nội ô đã quá tải, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng đến những hộ sử dụng cây nước xung quanh gần bãi rác, quận có dự kiến di dời, nhưng không đủ khả năng. Đề nghị thành phố hỗ trợ di dời bãi rác này”.
Thế nhưng, một năm sau, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố cuối năm 2007 vừa qua, vấn đề ô nhiễm của bãi rác Ô Môn lại được nhắc đến: “Bãi rác Ô Môn ô nhiễm nặng, nguồn nước rạch Ông Trăng bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân xung quanh”.
Theo nhiều người dân khu vực 13, phường Châu Văn Liêm, ban đầu bãi rác này nằm ở “ngoại ô” thị trấn Ô Môn (cũ), nhưng do đô thị hóa, nhà cửa, phố xá hình thành, giờ đây nó lọt thỏm trong khu dân cư. Đáng chú ý, bãi rác này chỉ cách Trường Trung học phổ thông Lưu Hữu Phước và Trường Tiểu học số 2 phường Châu Văn Liêm chừng 500m.
Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch MTTQ phường Châu Văn Liêm, cho biết: “Mấy năm gần đây, bà con phản ánh rất quyết liệt về tình trạng ô nhiễm của bãi rác. Cách đây vài tháng, quận đã đầu tư xây dựng một bức tường cao chừng 2 m bao quanh bãi rác để hạn chế mùi hôi, rác tràn ra ngoài… Nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây vẫn chưa được cải thiện, do nước thải thẩm thấu xuống lòng đất, làm ảnh hưởng đến mạnh nước ngầm – vốn là nguồn nước sinh hoạt của một số người dân sinh sống gần bãi rác”.
Về tương lai của bãi rác này, ông Huỳnh Thanh Danh, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận Ô Môn, cho biết: “Xây tường rào xung quanh bãi rác này chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài bãi rác này sẽ được huyện di dời ra khỏi nội ô. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể vẫn chưa được xác định, do còn phải tùy thuộc vào quy hoạch của thành phố”.
Sớm quy hoạch, xây dựng bãi rác tập trung
Ông Phạm Văn Mùi, Chủ tịch MTTQ phường Châu Văn Liêm, không khỏi băn khoăn khi cho biết hiện nay ngành chức năng đang tiến hành xây dựng một ngôi trường rất lớn ngay trên tuyến đường Trần Hưng Đạo (nối dài) để di dời Trường Trung học phổ thông Lưu Hữu Phước về đây; cơ sở của Trường Lưu Hữu Phước hiện nay sẽ là nơi học tập của học sinh Trường bán công Ô Môn.
Ông Mùi nói: “Lúc đó, hai đầu là hai ngôi trường lớn nhất của quận với hàng ngàn học sinh, còn ở giữa là bãi rác đang có xu hướng ngày càng phình ra! Giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là phải di dời bãi rác này ra khỏi vị trí hiện tại. Mong rằng, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố sớm thực hiện kế hoạch di dời đến nơi thích hợp, để đảm bảo sức khỏe của người dân, cũng như mỹ quan đô thị của khu vực trung tâm quận”.
Còn ông Tô Văn Đặng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Kiên, dự báo và kiến nghị: “Cặp theo Quốc lộ 91, ngay phía trước bãi rác của huyện được quy hoạch là khu văn hóa, vui chơi giải trí của huyện Thốt Nốt. Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay, các khu dân cư ngày càng tiến gần hơn bãi rác. Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND xã cũng nhiều lần kiến nghị di dời bãi rác này đến nơi thích hợp hơn. Theo tôi, thành phố nên có những bãi rác lớn, trang thiết bị đủ đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý rác thải cho nhiều địa phương”.
Ông Nguyễn Minh Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Thốt Nốt, cho biết: “Để di dời bãi rác này, huyện đã đề nghị Hội đồng kiến trúc thành phố quy hoạch một bãi rác quy mô 10 ha ở xã Trung Thạnh. Hội đồng kiến trúc thành phố đề nghị huyện mở rộng quy mô lên 40 ha để đáp ứng nhu cầu lâu dài. Tuy nhiên, diện tích quy hoạch quá lớn, kinh phí đầu tư cao, nên huyện đang đề nghị thành phố hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện trong thời gian tới”.
Vấn đề rác thải nói riêng, vệ sinh môi trường nói chung được thành phố rất quan tâm, nhưng hiện nay mới có 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng thực hiện thu gom rác thải tập trung về bãi rác ở Long Thạnh (tỉnh Hậu Giang). Các quận, huyện còn lại (Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền, Vĩnh Thạnh) vẫn còn lệ thuộc vào các bãi rác “tại chỗ”.
Do đó, hiện nay đang tồn tại tình trạng mỗi địa phương đều có một bãi xử lý rác riêng. Phần lớn các bãi rác “cấp huyện” đều không đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh, các đô thị lại là chuỗi liên hoàn với nhau, do đó cần thiết phải xây dựng bãi rác tập trung cho nhiều địa phương để công tác thu gom, tập trung, xử lý rác đảm bảo vệ sinh môi trường tốt hơn.
Quy hoạch chung xây dựng thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định nơi bố trí xây dựng những bãi rác tập trung cho nhiều quận, huyện cùng sử dụng, qua đó sẽ “xóa sổ” các bãi rác riêng lẻ của các địa phương. Hy vọng rằng, quy hoạch trên sớm được các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện, sớm chấm dứt tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương một bãi rác, nhưng lại không được xử lý đến nơi đến chốn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân.