Khám phá bốn loài thằn lằn mới ở Việt Nam

Bốn loài thằn lằn đá mới đã được khám phá ở miền Tây Nam bộ Việt Nam. Khám phá này vừa công bố trên Tạp chí Herpetologica, một tạp chí khoa học quốc tế chuyên về các loài lưỡng cư và Bò sát.

Bốn loài thằn lằn đá con ngươi tròn đặc hữu giống Cnemaspis thuộc họ Tắc kè – Gekkonidae được khám phá ở miền Tây Nam bộ Việt Nam.

 
Thằn lằn đá con ngươi tròn đuôi trắng – Cnemaspis caudanivea sp. nov. Grismer & Ngô, 2007.

Các loài thằn lằn đá con ngươi tròn này được đặt tên khoa học là Thằn lằn đá con ngươi tròn đuôi trắng – Cnemaspis caudanivea sp. nov. Grismer và Ngô, 2007; Thằn đá ngươi tròn chân cam – Cnemaspis auranticopes sp. nov. Grismer và Ngô, 2007; Thằn lằn đá con ngươi tròn Núi Cấm – Cnemaspis nuicamensis sp. nov. Grismer và Ngô, 2007; và loài Thằn lằn đá con ngươi tròn Tức Dục – Cnemaspis tucdupensis sp. nov. Grismer và Ngô, 2007.

Khám phá trên đã được đăng ở Tạp chí Herpetologica 63, Tập 3, số 4, tháng 12/2007, một tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành các loài lưỡng cư và Bò sát.

Những loài thằn lằn đá đặc hữu này có kích cở cơ thể trung bình tương đối nhỏ: Chiều dài đầu mình từ 43,5-56,5 mm, chiều dài đuôi từ 60,0 – 88,6 mm. Màu sắc mỗi loài mới khá đẹp mắt.(xem các hình ảnh). Các loài thằn lằn đá mới này là những loài hoạt động ban ngày, thường sống trên đá, đôi khi di chuyển trên thân cây. Vùng phân bố của các loài thằn lằn đá đặc hữu này là các khu vực đồi núi và đảo thuộc hai tỉnh An Giang và Kiên Giang.

 tl
Thằn lằn đá con ngươi tròn Tức Dụp – Cnemaspis tucdupensis sp. nov. Grismer & Ngô, 2007.

Khám phá này đã nâng số lượng các loài thằn lằn đá đặc hữu thuộc giống thằn lằn đá con ngươi tròn – Cnemaspis này ở nước ta thành 5 loài kể từ khám phá đầu tiên về loài thằn lằn đá con ngươi tròn Boulenger đặc hữu – Cnemaspis boulengeri Strauch, 1887 ở Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bởi nhà nghiên cứu động vật A. Strauch vào năm 1887.

Những khám phá trên đã đóng góp quan trọng đối với công tác kiểm kê đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động vật hoang dã của nước ta và quốc tế. Đây là những loài đặc hữu rất có giá trị về mặt khoa học và ý nghĩa rất cao đối với công tác bảo tồn. Khám phá này cũng cho thấy được khu vực Bảy Núi, Hòn Đất, Đảo Hòn Tre không những có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, du lịch mà còn là những địa điểm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài động vật đặc hữu của Việt Nam.

 
Thằn lằn đá con ngươi tròn Núi Cấm – Cnemaspis nuicamensis sp. nov. Grismer & Ngô, 2007.

Khám phá trên là kết quả hợp tác quốc tế giữa Giáo sư L. Lee Grismer, Khoa Sinh học thuộc Đại học Tổng hợp La Sierra, Bang California, Hoa Kỳ và nhà nghiên cứu động vật Ngô Văn Trí, Tổ Sinh thái học và Phát triển nay là phòng Công nghệ và Quản lý Môi trường, Viện Sinh học Nhiệt đới thuộc Viện Khoa học Việt Nam trong những năm vừa qua. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nhận được sự hỗ trợ về một số vấn đề kỹ thuật từ khoa Sinh học – Đại học khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM.