Vùng ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) có hệ thống kênh mương dài hơn 140 km, là nguồn nước chủ yếu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân Kim Sơn. Tuy nhiên, hệ thống kênh mương và gần 20 con sông lớn nhỏ trên địa bàn huyện đã bị biến thành nơi tập kết rác của hơn 40 nghìn hộ dân nơi đây.
Hàng ngày, có khoảng gần 30 tấn rác thải sinh hoạt của người dân địa phương được đem “lấp” kín hai bên bờ sông Ân, sông Vạc, sông Cà Mau… và hàng chục kilômét kênh mương nhỏ khác. Trong khi đó, mỗi năm huyện Kim Sơn phải đầu tư hàng tỷ đồng nạo vét kênh mương để phục vụ đời sống, sản xuất nông nghiệp.
Xử lý rác thải đang là vấn đề rất “nóng” của huyện Kim Sơn bởi đây là địa bàn rộng với hơn 21 nghìn ha, mật độ dân cư khá đông khoảng 12-13 nghìn người/km2, nhưng lại không có một địa điểm nào được quy định để đổ rác. Hơn nữa, kinh tế địa phương ngày một phát triển, do đó chất thải sinh hoạt, chất thải sản xuất ngày một nhiều.
Theo kết quả điều tra của các ngành chức năng, lượng rác thải trên địa bàn trung tâm huyện lên tới khoảng 20 tấn/ngày, trong đó 80% là rác thải hữu cơ. Giải pháp duy nhất cho lượng rác thải này là năm 2007 huyện Kim Sơn đã đầu tư một xe chuyên dụng trị giá 1,2 tỷ đồng để chở rác vào đổ tại bãi rác Tam Điệp (Ninh Bình).
Trung bình, cứ hai ngày xe chuyên dụng này chở một chuyến khoảng 6 tấn rác đi đổ, mới chỉ giải quyết được gần 50% lượng rác thải của các xã trung tâm như: Kim Chính, thị trấn Phát Diệm, Lưu Phương, Tân Thành. Còn lại hàng tấn rác của người dân hơn 20 xã đều được “tự quyết”. Chính vì vậy, những con sông, kênh mương của mỗi xã lại chính là nơi đổ rác “lý tưởng” của bà con.
Đặc biệt, tại các khu chợ ở xã Quang Thiện, Hùng Tiến, Đồng Hướng… là nơi nhiều rác thải nhất trong khi đó chính quyền địa phương xử lý chưa triệt để. Ban quản lý chợ thu gom rồi đốt tại chỗ hoặc người dân buôn bán tự đem đổ ra sông.
Ông Vũ Văn Chiến – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện khẳng định: Do huyện chưa có bãi tập kết và xử lý rác nên phần lớn rác thải của người dân trên địa bàn đều được đổ xuống sông, đổ ra vệ đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giải pháp trước mắt của UBND huyện là sẽ thành lập “Trung tâm vệ sinh môi trường” trong năm 2008 để tổ chức thu gom rác thải đúng nơi quy định, đảm bảo môi trường sống cho người dân.
Huyện Kim Sơn cũng đang triển khai đề án “Xây dựng nhà máy xử lý rác thải thành phân vi sinh” với số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 tỷ đồng, sẽ khởi công vào năm 2010 trên diện tích 5 ha, tại xã Lai Thành (Kim Sơn – Ninh Bình).