Mũi Cà Mau – dải đất cuối cùng trên bản đồ Việt Nam, đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng khiến niềm tự hào về một mũi đất lấn biển của đất nước đang có nguy cơ lui dần vào quá khứ, nếu không có biện pháp cấp bách bảo vệ.
Anh hướng dẫn viên khu du lịch Mũi Cà Mau (ấp Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đỏ bừng mặt khi phải nói đúng theo tài liệu quảng bá du lịch với du khách rằng “mũi đất này mỗi năm lấn biển vài chục mét…”. Thế nhưng trước cảnh biển cạp đất liền, mũi đất đang bị sạt lở không giấu được, anh bối rối: “Thật ra hiện nay mũi đất này đang bị sạt lở nghiêm trọng…”.
Sóng “liếm” vào đất liền 6m
Nạn sạt lở quả đã tàn phá mũi đất nặng nề. Năm năm trước, dọc theo đường cong của mũi đất có một con lộ đá rộng 4m, dài gần 1km nằm trong một bờ kè đá hộc vững chắc. Phía trong con lộ bộ hành này là một rừng mắm bạt ngàn ken dày đến vài chục mét, có những cái chòi nghỉ mát kiểu nhà rông Tây nguyên để khi mệt mỏi du khách vào trú nắng nghỉ ngơi.
Nhưng nay thì tất cả đã biến mất, không còn một vết tích nào của con lộ, bờ kè. Những cái chòi nghỉ mát kiểu nhà rông Tây nguyên trườn ra tới mé bờ, thò cái thang chỏng chơ chờ sập xuống biển. Ban quản lý khu du lịch này cho hay tình trạng sạt lở diễn ra từ khoảng bốn năm qua, đặc biệt là trong những tháng mùa mưa năm 2007, khiến toàn bộ con lộ và hai bờ kè bị chìm nghỉm xuống lòng biển.
Ông Phạm Quốc Cường, phó giám đốc Sở Ngoại vụ & du lịch Cà Mau, thừa nhận: “Chưa có một thống kê cụ thể về diện tích đất tại khu du lịch Mũi Cà Mau đã bị sạt lở xuống biển. Tuy nhiên, qua quan sát, chúng tôi thấy có nhiều điểm sạt lở xói sâu vào đất liền đến 6m”.
Hiện tại, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến hiện trường sạt lở, thấy những đợt sóng to từ biển lùa vào tiếp tục cuốn đi từng mảng đất đổ ầm xuống biển. Nhìn những vệt sạt lở loang lổ, nhiều du khách xót xa lo ngại cho tương lai mũi Cà Mau sẽ mất dần nếu không có biện pháp ngăn chặn.
Ai là thủ phạm?
Liệu có phải do người ta múc đất lên làm đường nên giờ biển “đòi” lại? |
Có nhiều nhận định khác nhau về thủ phạm gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng mũi đất Cà Mau. Ông Đặng Trung Tấn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Cà Mau, cho biết: “Tại khu vực mũi Cà Mau chúng tôi đã tìm thấy sự tồn tại của cây mắm đen (Avicennia officinalis), báo hiệu vùng mũi đất đang trong giai đoạn bị sạt lở tự nhiên”.
Tuy nhiên, theo một tài liệu nghiên cứu của Phân viện Điều tra qui hoạch rừng II TP.HCM, đây là khu vực có bồi có lở. Một nghiên cứu của phân viện này cho thấy từ năm 1965-1995, khu vực mũi đất Cà Mau từng được bồi đắp thêm đến vài chục mét và chạy dài từ rạch Mũi đến Cái Mòi.
Thảm thực vật tại mũi đất hiện tại cũng chứng minh quá trình bồi lắng đó. Chót ngoài cùng của mũi đất hiện vẫn còn tồn tại những cây mắm lấn biển trên 10 tuổi, với chiều dài vạt rừng trên 500m, chiều rộng 10-20m. Tuy nhiên hiện tại những “dũng sĩ” lấn biển này cũng đang bị tấn công dần biến mất.
Ông Phạm Quốc Cường, phó giám đốc Sở Ngoại vụ – du lịch Cà Mau nói rằng tình trạng sạt lở đất như hôm nay tại mũi Cà Mau một phần là do tự nhiên. Tuy nhiên, sự tác động của con người trước đây, khi mới thành lập khu du lịch Mũi Cà Mau là thủ phạm chính. Khi đó Sở Thương mại và du lịch Cà Mau (nay là Sở Thương mại) đã sai lầm khi cho múc đất ven bờ biển để làm một con lộ bộ hành phục vụ khách du lịch. “Chính cái hào sâu do xáng múc này đã nuốt sạch hai bờ kè và con lộ đá bộ hành” – ông Cường nói thêm.
“Việc múc một đường hào quanh bờ biển mũi Cà Mau để lấy đất xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn là thủ phạm phá vỡ vành đai lấn biển của mũi đất. Khi đó, để cho mũi đất có hình mũi tàu như trên bản đồ Việt Nam, Sở Thương mại đã cho cắt vành đai lấn biển phía tây, tách những “dũng sĩ mắm” lấn biển phía tây ra ngoài đường hào, chơi vơi và bị sóng biển dập chết sạch” – một cán bộ ở Sở Ngoại vụ – du lịch Cà Mau nói.
Theo tài liệu từ ban quản lý dự án Sở Ngoại vụ – du lịch Cà Mau, năm 1999 Sở Thương mại đã cho xây dựng một bờ kè bằng đá hộc dài trên 1km quanh mé biển, trị giá đầu tư trên 1 tỉ đồng. Bờ kè này sử dụng được hai năm thì bị sạt lở hoàn toàn xuống đường hào do xáng múc trước đó. Sở Ngoại vụ – du lịch thấy tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng đã cho xây tiếp bờ kè tạm thứ hai bằng cừ dừa và đá tảng, trị giá 1,4 tỉ đồng. Hiện bờ kè này cũng đã bị sạt lở hoàn toàn, nhiều trụ cừ dừa nằm thoi loi cách bờ biển đến 8m.
Ông Cường cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành lập dự án xây dựng bờ kè vành đai biển Đông, trị giá đầu tư 14,2 tỉ đồng. Công trình này nhằm cấp bách bảo vệ những phần đất hiện còn và tạo lại vành đai lấn biển trả lại cho mũi Cà Mau như tự nhiên trước nay đã có. Dự án có hai phần, phần công trình bờ kè chống lở sẽ được thực hiện trong một năm, còn việc lập lại vành đai lấn biến cần có thời gian đến mười năm”.