Bảo vệ rùa biển – chậm nhưng khả quan

ThienNhien.Net – Rùa biển đã có mặt trên trái đất từ hơn 100 triệu năm trước nhưng chỉ trong vòng vài trăm năm trờ lại đây loài bò sát tiền sử to lớn này đã rơi vào tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng. Có rất nhiều nguyên nhân đang làm giảm số lượng rùa biển trên toàn cầu song chủ yếu là do sự gia tăng của ngành công nghiệp đánh bắt tôm kể từ sau thế chiến thứ hai.

Rùa biển có khả năng bơi rất lâu dưới nước nhưng chúng vẫn phải ngoi lên mặt nước để hít thở không khí. Khi va phải các lưới bắt tôm, hàng nghìn rùa con có thể bị mắc lưới cùng lúc.
 
Mặc dù các thiết bị đánh bắt thông minh ngày nay có thế giúp rùa biển mắc bẫy thoát ra, góp phần giảm bớt tình trạng này. Song chúng vẫn phải đối mặt với vô vàn những nguy cơ khác như: việc khai thác quá mức trứng và thịt (cả hợp pháp lẫn trái phép), các động vật ăn thịt ăn trứng rùa, rùa cái trong khi tìm nơi đẻ trứng và các rùa con mới nở bị mất phương hướng, sự suy giảm những môi trường sống thiết yếu của chúng, bao gồm thảm cỏ biển và rạn san hô.
 
Ngoài ra, việc câu trộm rùa cũng là một mối đe doạ tiềm ẩn. Tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Thủy sản và Động vật hoang dã Hoa Kỳ phối hợp với các nhà chức trách ở Mexico đã bắt giữ 12 người có liên quan đến việc buôn bán  trái phép rùa biển. Người ta cũng đã tiến hành một cuộc điều tra bí mật kéo dài 3 năm thâm nhập vào mạng lưới các nhà cung cấp, các nhà sản xuất, các nhà bán buôn, bán lẻ và bọn buôn lậu – những kẻ đã buôn bán các sản phẩm làm từ hàng trăm bộ da rùa và mai rùa.
 
Đặc điểm sinh thái của rùa biển hạn chế khả năng phục hồi số lượng của chúng. Đồi mồi chỉ đạt được sự trưởng thành về giới tính khi chúng 30 “tuổi”, khoảng thời gian này đối với quản đồng kéo dài từ 12 đến 30 năm, còn với vích (rùa xanh) khoảng từ 20 đến 50 năm cho tới khi chúng có thể sinh sản.
 
Hiện nay, một số loài, trong đó có rùa da ở khu vực Thái Bình Dương đang bên bờ vực tuyệt chủng. Vùng Đông Thái Bình Dương trước đây là nơi cư trú lớn nhất của rùa da vào những năm 1980, nay chỉ còn dưới 500 con cái, làm tổ hàng năm trên bờ biển Mê-hi-cô và Cốt-xta-ri-ca.
 
Trong số 7 loài rùa biển còn lại trên trái đất thì 6 loài đang trong tình trạng bị đe dọa, riêng loài rùa mai phẳng được tìm thấy ở vùng nước ngoài khơi châu Úc hiện chưa có dữ liệu chính xác.
 
Chương trình hành động bảo vệ rùa biển 2004 đã thành lập Quỹ bảo vệ rùa biển và giao cho Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ quản lý. Quỹ tài trợ cho các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm sự duy trì sự sống sống dài lâu của loài rùa. Chỉ tính riêng năm 2007, Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ đã tài trợ gần 600.000 USD cho 22 quốc gia để bảo tồn rùa biển. Hầu hết số tiền này được sử dụng cho những nỗ lực nhằm khôi phục hoặc đảm bảo an toàn cho các bãi đẻ của rùa, chẳng hạn như bãi đẻ lớn nhất thế giới của của quản đồng ở Ô-man hay một bãi đẻ của rùa da dọc bờ biển Tây Phi.
 
Loài rùa biển Kemp’s Ridley – loài rùa biển nhỏ nhất có thể thay đổi màu sắc tùy theo môi trường là một ví dụ cho sự thành công trong những nỗ lực bảo tồn sinh vật này. Trên bờ vực tuyệt chủng vào những năm 1980, loài rùa này chỉ còn 700 tổ vào năm 1985, giảm từ số lượng khoảng 10 nghìn tổ vào những năm 1940. Nguyên nhân là do việc thu bắt quá mức trứng rùa và con cái, cũng như tỷ lệ chết cao khi rùa mắc cạn lưới bắt tôm.
 
Tuy nhiên, năm 1960 chính phủ Mexico đã xúc tiến một chương trình bảo tồn, sau này nhận được sự phối hợp của Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ. Chương trình đã thành công trong việc bảo vệ và nâng cao số lượng loài rùa biển Kemp’s Ridley hơn so nhiều so với trước.
 Earl Possardt, chuyên gia về rùa biển quốc tế  của Hiệp hội thủy sản và động vật hoang dã Hoa Kỳ cho rằng “Bảo tồn rùa biển là một công việc lâu dài. Trong kế hoạch lớn ấy, những thành công đó sẽ tích luỹ lại và thông qua mối liên kết đa quốc gia của các chính phủ, các tổ chức bảo tồn và ngành đánh bắt cá, chúng ta có thể bảo vệ loài rùa biển đồng thời tạo ra hệ sinh thái biển ổn định hơn cho loài người.”


 ** Việt Nam có 5 trong số 7 loài rùa biển trên thế giới, gồm các loài quản đồng (Caretta caretta), rùa da (Dermochelys coriacea), đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), đồi mồi (Eretmochelys imbricate), vích/rùa xanh (Chelonia mydas). Cả 5 loài đều là những loài quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng. Riêng loài đồi mồi được xếp trong danh sách các loài nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới IUCN.
 
Hai loài còn lại không có ở Việt Nam là  Rùa biển Kemp’s Ridley (Lepidochelys kempii) và Rùa mai phẳng (Natator depressus)