Cuối tháng 12/2007, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tọa đàm về chủ đề: “Công nghiệp nào cho Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự cuộc tọa đàm này, Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã có góp một số ý kiến đáng quan tâm về vấn đề” “Làm thế nào để phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”. Sau đây là nội dung góp ý của Tiến sĩ Chế Đình Lý.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích 39.747km2, chiếm 12% diện tích cả nước, là một hệ sinh thái đất ngập nước (có 90 % diện tích đất ngập nước theo mùa lũ). Là hệ sinh thái đất ngập nước, ĐBSCL rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương với môi trường nước.
Về mặt lý luận, sự thay đổi của hệ sinh thái có qui luật tương đồng với qui luật biến dạng của một thanh thép: khi tác động một lực dưới ngưỡng đàn hồi, thanh thép sẽ trở về dạng cũ. Nếu tác động đến quá ngưỡng đàn hồi, thanh thép sẽ bị biến dạng.
Hệ sinh thái cũng vậy. Nếu tác động đến nó vượt ngưỡng phục hồi, nó sẽ mất khả năng tự làm sạch và bị biến dạng thành một hệ sinh thái khác. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, ĐBSCL phải giữ gìn tốt môi trường nước. Bên cạnh đó, sự thay đổi của hệ sinh thái cũng có qui luật thế năng của một hòn bi trên quả đồi. Từ vị trí cao, chỉ tác động nhẹ, hòn bi dễ dàng rơi xuống vị trí thấp. Nhưng ngược lại, từ vị trí thấp muốn trở lại vị trí cao, phải mất rất nhiều năng lượng. Hệ sinh thái cũng có qui luật tương tự.
Đang là hệ sinh thái đất ngập nước với sự trù phú vốn có, nếu chúng ta phát triển công nghiệp ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường nước, ĐBSCL sẽ bị thay đổi và rất khó phục hồi trở lại. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần nhận rõ hai qui luật nói trên trong quá trình quyết định cơ cấu kinh tế của vùng.
Nhận thức về các qui luật đó, trong phát triển công nghiệp cho ĐBSCL, phải hết sức quan tâm những vấn đề sau đây:
– Cần đánh giá môi trường chiến lược cho các đề án phát triển công nghiệp của các tỉnh, thành và phải có quan điểm toàn vùng trong quyết định bố trí các loại hình công nghiệp. Đặc biệt chú ý đến bố trí địa lý của các loại hình công nghiệp có nguy cơ rủi ro môi trường ở các tỉnh hạ nguồn sông Tiền và sông Hậu, vùng ven biển như Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu…, không bố trí ở thượng nguồn…
– Đổi mới công tác quản lý môi trường hiện nay từ chỗ chỉ thiên “từ trên xuống” (đưa ra qui định, kiểm tra giám sát) sang kết hợp với quản lý môi trường từ dưới lên (bắt buộc xây dựng hệ thống quản lý môi trường tại doanh nghiệp). Vấn đề đặt ra là phải tăng cường công tác đào tạo cán bộ phụ trách quản lý môi trường doanh nghiệp. Muốn làm được điều này, cần có sự kết hợp với các Viện, Trường tại TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Cần Thơ.
– Xây dựng và triển khai các chương trình ngăn ngừa ô nhiễm ở cấp xã, huyện và trong các doanh nghiệp lớn. Trong đó, ưu tiên triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến thủy sản và các loại hình công nghiệp gây ô nhiễm. Muốn thực hiện điều này, trước tiên cần quan tâm bồi dưỡng để nâng cao nhận thức cho các cấp lãnh đạo và đào tạo nghiệp vụ cho các chuyên viên triển khai sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp (hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa hiểu biết đầy đủ về các giải pháp sản xuất sạch hơn).
– Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường cho các dự án mới đầu tư theo luật bảo vệ môi trường, tránh việc đánh giá hình thức, xem như thủ tục hành chính. Vì vậy, cần có sự đánh giá của các cơ quan khoa học ở Cần Thơ hoặc TP Hồ Chí Minh.
– Thực hiện đánh giá công nghệ (Technology Asessment) cho các dự án mới đầu tư, chọn công nghệ tốt nhất, ít ô nhiễm môi trường. Các khu công nghiệp tại ĐBSCL nên hướng về thu hút các công nghệ cao, các công nghệ ít gây ô nhiễm nguồn nước. Nên ưu tiên cho các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản, sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương. Tránh hay hạn chế đầu tư công nghiệp hóa chất, dệt nhuộm, giấy, xi mạ, thuộc da… vì đây là các ngành công nghiệp gây ô nhiễm nguồn nước, khó xử lý triệt để các chất ô nhiễm độc hại.
– Triển khai và thực hiện tốt chương trình truyền thông môi trường để nâng cao nhận thức môi trường cho doanh nghiệp, các cộng đồng dân cư, các cơ sở sản xuất, chính quyền cấp cơ sở… Qua đó, làm cho mọi người nhận thức rõ sự bền vững môi trường đối với ĐBSCL còn quan trọng hơn rất nhiều đối với việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp. Nếu không thận trọng trong phát triển công nghiệp, tỷ lệ phần trăm tăng trưởng GDP chỉ còn lại một nửa hay một phần ba vì phải chi cho việc khắc phục hậu quả môi trường do ô nhiễm công nghiệp.
Tóm lại, phát triển bền vững cần hài hòa 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vì ĐBSCL là hệ sinh thái ngập nước dễ bị tổn thương. Muốn giữ gìn chất lượng môi trường, việc phát triển công nghiệp ĐBSCL phải quyết định dựa trên cơ sở khoa học và nhận thức về vai trò tối quan trọng của nguồn nước đối với hệ sinh thái. Phát triển công nghiệp ĐBSCL vội vã, chúng ta sẽ mất nguồn lợi thủy sản và nông nghiệp, có khi đánh đổi cả chất lượng cuộc sống.