Ngày 09/01, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đã có buổi tìm hiểu tình hình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn tại bãi rác Đa Phước (chủ đầu tư là Công ty Việt Nam Waste Solution-VWS) và tiến độ tiếp nhận phân hầm cầu (của Công ty Hòa Bình). Thực tế khảo sát cho thấy Khu liên hợp xử lý rác thải Đa Phước của VWS dù chưa hoàn thành các hạng mục công trình nhưng đã tiếp nhận trên 3.000 tấn/ngày và nhà máy xử lý chất thải phân hầm cầu của Công ty Hòa Bình đã hoàn thành nhưng lại chưa thể tiếp nhận ngay xe bồn hầm cầu.
Quá tải và nguy cơ ô nhiễm môi trường
Phó Tổng Giám đốc VWS Huỳnh Thị Lan Phương cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước bắt đầu tiếp nhận rác từ ngày 01/11/2007 với khối lượng khoảng 60 tấn rác/ngày. Đến nay, số lượng tiếp nhận xử lý đã trên 3.000 tấn/ngày.
Tuy nhiên, các hạng mục của bãi rác vẫn chưa thể hoàn thiện nên vẫn hoạt động trong tình trạng vừa xây dựng công trình vừa tiếp nhận xử lý rác nên vẫn gặp một số vấn đề về xử lý rác và mùi hôi. Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM thì bãi rác vẫn chỉ mới dừng lại ở hoạt động tiếp nhận và chôn lấp rác, chứ chưa thể xử lý như thiết kế hoàn chỉnh.
Việc chôn lấp rác thực hiện theo công nghệ của Hoa Kỳ, tuy nhiên trên thực tế việc vận hành chôn lấp thực hiện không tốt (chôn lấp tại khu vực tạm, được bao quanh bằng nhựa HDPE nhưng không được lắp đặt hệ thống thu nước rỉ rác, nước rỉ rác phát sinh được lưu giữ tại ô chôn rác và được bơm bằng xe bồn vận chuyển về bãi chôn lấp Đông Thạnh (quận 12 TPHCM để xử lý).
Bên cạnh đó, do tổ chức vận hành tại bãi đổ không tốt nên việc san ủi và đầm nén vẫn chưa thực hiện xong trước 7 giờ sáng hôm sau, không có phủ đất lên bề mặt rác, việc phủ bạt cũng không thực hiện triệt để. Trong trường hợp VWS vẫn thực hiện công việc trong tình trạng quá tải như hiện nay thì vào mùa mưa, việc tách nước cũng như những vấn đề khó khăn khác như ùn tắc tại bãi đổ, phát sinh mùi hôi, ứ đọng nước rỉ rác, ô nhiễm môi trường rất dễ xảy ra.
Khảo sát trực tiếp tại bãi rác, Trưởng Ban KT và NS HĐND TP Nguyễn Minh Hoàng đánh giá rất cao những nỗ lực của chủ đầu tư để góp phần chia sẻ khó khăn về tình hình rác thải của TP. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị chủ đầu tư cần nhanh chóng hoàn thiện tất cả các hạng mục công trình trước khi mùa mưa đến, nếu không sẽ rất dễ dẫn đến sự cố như đã từng xảy ra ở một số bãi rác khác trên địa bàn TP.
Bà Huỳnh Thị Lan Phương cho biết thêm, hệ thống máy móc của nhà máy xử lý nước thải, nhà máy tái chế rác thành phân compost, nhà máy sản xuất nhựa… đều đang được vận chuyển về từ nước ngoài. Chậm nhất, đến tháng 8 năm nay, tất cả mọi thứ của Khu liên hợp sẽ hoàn thành.
Sẵn sàng tiếp nhận phân hầm cầu nhưng “tắc” đường, không điện
Khảo sát tại nhà máy xử lý chất thải hầm cầu của Công ty TNHH xử lý chất thải Hòa Bình, ông Trương Minh Hoàng nhận định, đây là nhà máy đầu tiên của TP (và có thể là cả nước) có nơi xử lý phân hầm cầu tương đối tốt và hoàn thiện.
Giám đốc Công ty Hòa Bình Lê Tiến Dũng khẳng định, với việc đầu tư hàng chục tỷ đồng vì mục đích bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu của TP, đến nay nhà máy đã sẵn sàng tiếp nhận xử lý toàn bộ bùn hầm cầu trên địa bàn TP. Tuy nhiên, quyết định cho phép tiếp nhận từ Sở TN-MT vẫn chưa có, nên nhà máy vẫn chỉ hoạt động trong tình trạng vận hành thử với công suất từ 20-40m3/ngày (trong khi công suất thiết kế là 500m3/ngày).
Bên cạnh đó, đường vào nhà máy vẫn chưa thể đi được, chỉ lưu thông bằng đoạn đường tạm, nên một số chủ xe bồn hầm cầu cho rằng không thể cho xe lưu thông. Mặt khác, nhà máy đã xây dựng xong nhưng đến nay hệ thống điện lưới 3 pha vẫn chưa kéo vào. Để vận hành thử, thời gian qua công ty phải mua máy phát điện để sử dụng tạm thời.
Cuối buổi khảo sát, theo yêu cầu của Ban KT-NS, Sở TN-MT khẳng định sẽ cấp phép cho nhà máy tiếp nhận ngay sau chuyến khảo sát này, các sở ngành khác cũng hứa sẽ đầu tư hoàn thành mạng lưới giao thông, lưới điện sớm nhất.