Đồng Nai: Hàng ngàn ha đất rừng ở huyện Trảng Bom “bốc hơi”

UBND huyện Thống Nhất (nay là huyện Trảng Bom) và các đối tượng liên quan không tổ chức thực hiện, dẫn đến tình trạng vô chủ đối với 2.415 ha đất rừng. Tính đến nay hàng ngàn ha đất rừng mất đi do các cán bộ, công nhân viên của Xí nghiệp nguyên liệu giấy miền Đông Nam bộ và các hộ dân tự do bao chiếm, mua bán bất hợp pháp nhằm trục lợi cá nhân gây nên tình trạng mất trật tự tại địa phương, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp kéo dài…Đó là những kết luận mà Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra trong đợt thanh tra tình hình quản lý, gây thất thoát hàng ngàn ha đất lâm nghiệp ở huyện Trảng Bom tỉnh Đồng Nai.

Cán bộ tiếp tay cho dân “xà xẻo”, “biến hóa” đất công

Năm 1985, UBND huyện Thống Nhất đã ra quyết định 176, giao cho Trạm trồng rừng Thống Nhất (nay là Xí nghiệp nguyên liệu giấy miền Đông Nam bộ) 2.415 ha đất tại xã Bắc Sơn và xã Hố Nai 3 để trồng rừng nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc và làm vùng nguyên liệu giấy. Đáng lẽ ra sau khi nhận quyết định, Trạm trồng rừng phải tiến hành trồng rừng và quản lý diện tích đất trên, nhưng do nhiều lý do, hàng ngàn ha đất trên đang càng ngày càng “teo” lại.

Phi vụ bán đất bằng giấy tay giữa ông Trần Khánh Tương với diện tích 3,6 ha và ông Nguyễn Hữu Thư diện tích 1,6 ha đất rừng (do Xí nghiệp giống cây trồng Đông Nam bộ quản lý (đơn vị này được Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng đông Nam bộ giao đất để trồng rừng) cho bà Hà Thị Thúy Nga.

Mặc dù là vụ mua bán đất bất hợp pháp (do người dân lấn chiếm hoặc mua đi bán lại không có giấy tờ hợp lệ) nhưng vẫn được ông Phạm Tiến Ngọc (Phó Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu giấy đông Nam bộ) xác nhận và UBND xã Bắc Sơn, huyện Thống Nhất thản nhiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người này. Rất nhiều trường hợp bao chiếm và phù phép để hợp thức hóa quyền sử dụng đất đã diễn ra phổ biến trong khoảng thời gian dài.

Tại địa bàn xã Bắc Sơn và Hố Nai 3, rất nhiều trường hợp người dân bao chiếm, mua bán đất rừng trái phép đã được ông Quách Kim Tính và Văn Công Tạo nguyên là Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (hai nhiệm kỳ) xác nhận cho mua bán, sang nhượng. Ngoài ra ông Phạm Tiến Ngọc còn xác nhận cho nhiều trường hợp lấn chiếm, sang nhượng với lý do: “diện tích đất Xí nghiệp không trực tiếp quản lý”.

Từ những lý do của các “ông cán bộ” trên đã tạo điều kiện cho người dân mạnh ai nấy lấn chiếm. Ngoài ra, khoảng thời điểm năm 2004, các “vị” cán bộ này còn xác nhận khống vào nhiều giấy xin xác nhận nguồn gốc đất cho nhiều người. Với hình thức này những người chiếm đất rừng (do Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng đông Nam bộ quản lý) cũng đã được “hợp thức hóa” để được Nhà nước đền bù từ 50-100%, hoặc có thể bán lại để kiếm lời.

Hàng ngàn ha đất rừng “bốc hơi”

Qua số liệu của Hạt kiểm lâm huyện Trảng Bom cung cấp cho Thanh tra Chính phủ, cho thấy trong quá trình quản lý, Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng Đông Nam bộ đã gây thất thoát hàng ngàn ha đất rừng, cụ thể: Từ tháng 12/1999 Xí nghiệp này chỉ còn quản lý có 896,5 ha. Nghĩa là từ khi được giao quản lý đất (năm 1985 đến năm 1999), Xí nghiệp này đã làm “bốc hơi” mất hơn 1.500 ha đất rừng.

Chưa hết, qua kiểm tra về việc quản lý đất trồng rừng theo Chương trình 327 (phủ xanh đất trống đồi trọc), cho thấy từ năm 1996 đến năm 2000, việc lấn chiếm, mua bán đất rừng của Lâm trường bằng giấy tay diễn ra thường xuyên. Thanh tra Chính phủ đã xác minh, hầu hết diện tích đất thuộc Chương trình 327 mà người dân lấn chiếm, hiện đã được chuyển đổi mục đích sử dụng mà chính quyền địa phương không hề hay biết.

Ngoài ra, với diện tích trên 47 ha đất rừng được Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng Đông Nam bộ giao khoán cho 18 hộ dân trồng rừng, hiện một nửa số diện tích đất trên đã bị mua bán, chuyển nhượng hoặc đã được “phù phép” để chuyển đổi mục đích sử dụng.

Giải trình những vấn đề trên, Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng Đông Nam bộ đã đã báo cáo lấp lửng về số liệu trồng rừng, quản lý và kinh doanh rừng hàng năm; đồng thời, UBND huyện Trảng Bom và Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Đồng Nai lại không giải trình được số liệu chính xác của quá trình quản lý, sử dụng đất theo quyết định 176.

Những cơ quan này thừa nhận những số liệu đó chỉ là trên giấy. Tuy nhiên qua thanh tra số liệu của Hạt kiểm lâm huyện Trảng Bom thì số đất mà Xí nghiệp giấy vùng Đông Nam bộ quản lý tiếp tục bị thất thoát theo từng năm. Cho đến thời điểm tháng 03/2001, số đất mà Xí nghiệp nguyên liệu giấy vùng Đông Nam bộ quản lý tiếp tục “bốc hơi”, chỉ còn lại 605,9ha.

Đến tháng 09/2003 còn 368,55ha, và cho đến tháng 04/2007, số đất trên tiếp tục biến mất, chỉ còn lại 247ha. Như vậy, từ con số 2.415 ha đất giao cho Xí nghiệp giấy vùng đông Nam bộ quản lý, nay số đất trên chỉ còn lại khoảng một phần mười.

Theo Thanh tra Chính phủ, ngoài việc buông lỏng quản lý gây thất thoát rất lớn nguồn đất công, tình trạng lấn chiếm và mua bán đất bất hợp pháp còn dẫn đến nhiều vụ khiếu nại, tranh chấp phức tạp tại địa phương. Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra công an tỉnh Đồng Nai thụ lý, điều tra làm rõ.