Thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội, đặc biệt là những khu dân cư có xưởng sản xuất tác động trực tiếp đến môi trường sống của người dân. Nguyên nhân là do các hộ sản xuất, kinh doanh không có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và xử lý các chất gây ô nhiễm trong khi các cơ quan chức năng quản lý còn lỏng lẻo, chưa có chế tài xử lý nghiêm đối với cơ sở vi phạm. Thực tế trên đang diễn ra tại cơ sở sản xuất đồ gỗ phun sơn số 873 Đê La Thành, phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Chạy trốn tiếng ồn, bụi và mùi sơn…
Trong không gian chật hẹp chưa đến 20m2, cơ sở sản xuất đồ gỗ phun sơn do anh Trịnh Xuân Hải làm chủ hết sức sơ sài. Điều đáng nói hơn cả là do không gian quá hẹp nên máy cưa và các trang thiết bị thậm chí bày ra cả mặt vỉa hè đoạn đường Đê La Thành. Bên trong một máy liên hợp cưa, bào, khoan đặt ở ngay cửa chính mà không có bất cứ trang thiết bị nào che chắn để giảm tiếng ồn và bụi mùn cưa bay ra từ bên trong nhà xưởng. Theo người dân phản ánh thì mỗi lần có cơn gió bay qua là bụi sơn và bụi mùn cưa lại bay mù mịt khắp nơi khiến các nhà hàng xóm phải đóng cửa vì không thể chịu đựng được.
Ông Nguyễn Hữu Thân ở số 871 Đê La Thành, cách xưởng sản xuất này có một bức tường than thở: “Tôi năm nay đã 76 tuổi, bà nhà tôi thì đau ốm liên miên chẳng biết sống chết thế nào vậy mà hàng ngày phải ngửi mùi sơn pha hóa chất độc hại xộc vào cổ họng đến mức cứ lúc nào thợ làm là tôi lại phải “chạy trốn”.
Nguy hiểm hơn là tôi có 3 cháu nội, ngoại cũng ở đây. Cháu lớn nhất mới được 9 tháng tuổi thường xuyên phải vào bệnh viện khám, chữa bệnh vì bị viêm đường hô hấp nặng. Các cháu cứ ốm đau, quặt quẹo suốt vì tiếng ồn và ô nhiễm do xưởng sản xuất này hoạt động từ sáng đến chiều.
Gia đình tôi đã làm đơn kiến nghị lên phường 2 lần nhưng đến nay không hiểu lý do gì mà cơ sở sản xuất trên vẫn ngang nhiên hoạt động?!”. Trong lúc ngồi trò chuyện với ông Thân, chúng tôi cũng không thể chịu nổi tiếng kêu ken két phát ra từ chiếc máy cưa và bụi mùn cưa chỉ được lọc qua một chiếc máy hút bụi thô sơ kêu ro ro ngay trước cửa.
Buông lỏng quản lý?
Được biết khi đăng ký sản xuất kinh doanh, chủ cơ sở phải ký cam kết về đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo phòng cháy – chữa cháy, an toàn lao động. Tuy nhiên không biết có phải do chính quyền buông lỏng quản lý hay không mà cho đến thời điểm hiện tại cơ sở sản xuất trên vẫn không có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép hành nghề, hợp đồng lao động với công nhân và không có bản cam kết bảo vệ môi trường mà vẫn được phép hoạt động!?
Ông Nguyễn Mai Bảo – Phó Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh cho biết: “UBND phường đã nhiều lần cùng với Sở Tài nguyên – Môi trường thành phố, quận thành lập tổ công tác xuống kiểm tra để giúp phường tháo gỡ vấn đề này nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc. “Để xác định về mức độ ô nhiễm phải có máy để kiểm tra, đo đạc nên ngay cả đã nhờ sự can thiệp của nhiều cơ quan chức năng nhưng chúng tôi vẫn chưa xác định được mức độ ô nhiễm vì không có trang thiết bị thẩm định mức độ ô nhiễm. Phường cũng mong muốn trong thời gian tới nếu quận thành lập được Đội Cảnh sát môi trường thì phối hợp với chính quyền địa phương để làm kiên quyết hơn…!”.
Tuy nhiên, theo biên bản làm việc ngày 27/07/2007 của phường cùng các cơ quan chức năng với chủ cơ sở sản xuất trên đã ghi rõ: “Yêu cầu chủ cơ sở phải tạm dừng việc sản xuất kinh doanh đi làm các thủ tục pháp lý (giấy chứng nhận ĐKKD…) theo quy định của pháp luật. Trước khi cơ sở đi vào hoạt động phải có bản cam kết bảo vệ môi trường được các cơ quan chức năng xác nhận.
Nếu chủ cơ sở sản xuất cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Vậy không hiểu tại sao khi mà cơ sở sản xuất trên chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết mà vẫn được phép hoạt động? Phải chăng UBND phường “đánh trống bỏ dùi”!? Người dân ở đây vẫn không hiểu họ sẽ phải sống chung với ô nhiễm đến bao giờ?