Nam Định: Vùng đất ngập nước Nghĩa Hưng có nguy cơ xóa sổ

Qua kết quả khảo sát gần đây nhất của tổ chức Bird Life Việt Nam, vùng đất ngập nước Nghĩa Hưng (Nam Định) đang có nguy cơ bị xoá sổ do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Nguyên nhân là do sự gia tăng dân số, cùng với sự gia tăng nhu cầu về các mặt hàng hải sản đã thúc đẩy mạnh mẽ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên tại các vùng ven biển Nam Định.
 
Các khu vực đất ngập nước không được quản lý một cách phù hợp đã thay đổi theo chiều hướng xấu đi, các sinh cảnh đất ngập nước bị cải tạo để thâm canh nuôi trồng thủy sản không theo hướng bền vững, phá huỷ dần môi trường sinh sống của các loài chim di cư.
 
Trước đó, huyện Nghĩa Hưng đã được Viện Điều tra Quy hoạch Rừng Việt Nam đánh giá là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thứ hai ở vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ, được Tổ chức BirdLife Việt Nam kiến nghị công nhận là khu Ramsar do đáp ứng hàng loạt các tiêu chí: tập trung nhiều kiểu đất ngập nước còn khá nguyên trạng đặc trưng cho vùng cửa sông ven biển đồng bằng Bắc Bộ; nơi trú chân của các loài chim nước di cư từ Đông Bắc Á và Xibêri đến châu Đại Dương và ngược lại (trong đó có 8 loài chim bị đe dọa), và là nơi tập trung chim nước với số lượng lớn (30.000 cá thể, bao gồm hơn 8,000 cá thể chim ven biển); đồng thời là vùng phát triển nghề đánh bắt thủy sản ven bờ trong khu vực…
 
Năm 1996, vùng đất ngập nước Nghĩa Hưng  cũng được xác định là một trong 6 vùng ưu tiên cho công tác bảo tồn đất ngập nước trong khu vực, có ý nghĩa sống còn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Đông Dương và toàn cầu.
 
Tuy nhiên đến nay, các giá trị trên hầu như biến mất, không còn một loài chim quan trọng nào được ghi nhận, tổng số chim nước đếm được tại đây chỉ còn khoảng 1.000 – 2.000 cá thể.