Việc tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ theo hướng sạch hơn là cách tốt nhất giảm lượng khí thải nhằm bảo vệ môi trường hữu hiệu. Phương pháp này đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp.
Dệt nhuộm Tín Thành (Hà Tây): Giảm lượng CO2 lớn thải ra môi trường
Dệt nhuộm là một trong 5 nhóm ngành công nghiệp có tiềm năng lớn để áp dụng các công nghệ tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, trong tình hình phần lớn công nghệ dệt nhuộm hiện lạc hậu, lãng phí nguyên nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường.
Thông qua các giải pháp công nghệ thu hồi nước ngưng và hơi, cải tạo và sử dụng hệ thống chiếu sáng, tối ưu hóa hệ thống vận hành của tổ hợp máy nén khí, quản lý phụ tải… mỗi năm, một cơ sở dệt nhuộm có thể tiết kiệm hơn 100 triệu đồng tiền chi phí tiêu hao năng lượng sản xuất. Giải pháp này đang được ứng dụng tại cơ sở dệt nhuộm Tín Thành (xã Dương Nội, Hà Đông, Hà Tây) và được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ triển khai nhân rộng trên cả nước.
Tại cơ sở Tín Thành cũng như các cơ sở dệt may, máy định hình vải có vai trò đặc biệt quan trọng giúp bề mặt vải căng đẹp, giữ nguyên cấu trúc. Tuy nhiên, để máy định hình hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng yêu cầu vải thì hệ thống lò đốt cung cấp hơi nước cho máy phải hoạt động đều và thông suốt.
Nhiên liệu sẽ phải được cung cấp thường xuyên để nhiệt độ lò hơi luôn đạt mức nhiệt độ yêu cầu 135oC. Bốn máy nhuộm sau khi nhuộm xong nhiệt độ máy sẽ đạt 130oC qua các khâu tiếp theo thay vì thải ra môi trường sẽ được tận dụng cung cấp trở lại cho lò hơi. Như vậy, sẽ không phải tốn nhiên liệu than để làm nóng nước và tính toán mỗi năm, các cơ sở sẽ tiết kiệm hơn 60 tấn than, giảm lượng lớn CO2 thải ra môi trường khi đốt cháy.
Ông Dương Công Đãng, chủ cơ sở sản xuất Tín Thành cho biết, việc lắp đặt thêm hệ thống tụ bù của 39 máy dệt thoi có công suất thấp đã làm giảm một nửa dòng điện cung cấp cho các máy dệt. Thay vì cường độ tiêu thụ điện năng của máy 15A, các tụ bù đã giảm dòng điện xuống còn 7,5A, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng chục triệu đồng tiền điện mỗi năm.
Với mức chi phí đầu tư ban đầu không lớn, chỉ 50 triệu đồng, thì đây là khoản đầu tư phù hợp với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành dệt nhuộm cũng như các cơ sở của làng nghề dệt nhuộm trên cả nước.
Công nghiệp hóa chất: Cần một giải pháp sản xuất sạch hơn
Theo PGS.TS. Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, xu hướng quan trọng trong sự phát triển công nghiệp hóa chất là nhanh chóng phát triển công nghiệp lọc hóa dầu trên cơ sở dầu thô và khí thiên nhiên, để sản xuất ra các sản phẩm hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực hóa dược, các hóa chất thuốc trừ sâu, những vật liệu mới, composite, chất dẻo, sợi tổng hợp.
Nguyên liệu chủ yếu sử dụng cho sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng cần được mở rộng và thay đổi theo hướng dùng dầu mỏ và khí thiên nhiên song song với việc đầu tư các nhà máy hóa chất trên cơ sở nguồn tài nguyên than đá của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp hóa chất đi theo công nghệ sản xuất khép kín, nhằm sử dụng tối đa nguyên liệu đầu vào, tạo thêm nhiều sản phẩm và quan trọng hơn là giảm thiểu và hạn chế việc thải các hóa chất và chất thải ra môi trường. Sử dụng nguyên liệu ít tiêu hao năng lượng trong việc sản xuất hóa chất.
Mục tiêu của đổi mới công nghệ, theo nhiều chuyên gia, là tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, tăng chất lượng và giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và đảm bảo các yêu cầu về khí thải.