Tôm sú không chỉ là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mà còn là tiềm năng xuất khẩu thuỷ sản của cả nước. Tuy nhiên, thị phần tôm sú đang bị co hẹp, chỉ còn xấp xỉ 20%, nhường chỗ cho tôm thẻ chân trắng bởi lý do rất đơn giản: tôm thẻ chân trắng có giá rẻ hơn. Nếu muốn giữ vững kim ngạch xuất khẩu trong năm tới, ngành thuỷ sản cần nhanh chóng có biện pháp khắc phục.
Giá tôm sú tuột dốc
Tại các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang… giá tôm sú nguyên liệu đã giảm mạnh, loại 30 con/kg chỉ ở mức 94.000-100.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giảm khoảng 6.000 -8.000 đồng/kg, còn 71.000-76.000 đồng/kg… Riêng tại Bạc Liêu, giá tôm sú giảm mạnh nhất, loại 30 con/kg chỉ còn 90.000 đồng/kg, loại 40 con/kg còn 60.000-65.000 đồng/kg, mức giảm khoảng 30.000 đồng/kg.
Nguyên nhân là do ĐBSCL vào vụ thu hoạch tôm, sản lượng nhiều trong khi tình hình xuất khẩu tôm gặp khó khăn do đụng
hàng tôm thẻ chân trắng xuất khẩu của Thái Lan và Trung Quốc. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu còn tồn kho một lượng lớn tôm nguyên liệu nên hạn chế mua vào.
Hầu hết các doanh nghiệp quy mô không lớn nên không có điều kiện thu mua tôm dự trữ để giảm bớt thiệt hại cho nông dân nuôi tôm. Với giá tôm như hiện nay, nông dân chắc chắn lỗ do chi phí thức ăn và thuốc thú y cho tôm đã tăng mạnh.
Ông Huỳnh Văn Gành, Giám đốc Sở Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Do thị trường gặp khó, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu tại Kiên Giang chỉ hoạt động 50% công suất nên nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương trở nên dư thừa”.
Thông thường vào dịp cuối năm, để chuẩn bị cho Noel, giá tôm sú xuất khẩu tăng 10-20%, nhưng năm nay giá không tăng mà lại sụt, đây là điều đáng buồn với tôm sú. Hiện nay, do giá bán tôm thẻ chân trắng rất rẻ nên nhiều khách hàng đã quay lưng với tôm sú của Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ, tuy hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ nhưng giá của tôm thẻ chân trắng rẻ hơn tôm sú từ 1-1,5USD/kg, chính vì vậy mà thị phần của con tôm thẻ chân trắng tăng mạnh, chiếm trên 80%, còn thị phần con tôm sú thì đang “co” lại, chỉ còn xấp xỉ 20%. Đây là một điều mà các nhà chế biến rất trăn trở. Còn đối với bà con, để tôm sú có thể cạnh tranh với tôm thẻ chân trắng thì buộc phải giảm giá thành.
Chủ động giống sẽ giảm giá thành
Nếu Việt Nam muốn tiếp tục phát triển tôm sú thì phải giảm giá tôm sú dưới 50.000 đồng kg mới có thể cạnh tranh được. Cách duy nhất là ngành thủy sản phải giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi để hạ giá thành tôm sú, hoặc mở rộng và phát triển tôm thẻ chân trắng để cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Những vấn đề mà người nuôi tôm sú ở ĐBSCL đang phải đối mặt là an toàn vệ sinh thực phẩm, cả thế giới đang kiểm tra rất nghiêm ngặt yêu cầu này. Tiếp đó là môi trường, sự phát triển nuôi tôm sú, cá tra, ba sa và nông nghiệp…, làm cho môi trường nước trong khu vực ngày càng xấu đi, mức độ ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi và đẩy giá thành tôm sú ngày càng cao.
Ông Lê Văn Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, 3 năm trở lại đây nghề nuôi tôm ở ĐBSCL đã áp dụng công nghệ sinh học, dùng các chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường, cân bằng sinh thái để tôm phát triển, nên hiện nay vấn đề môi trường không còn đáng lo ngại lắm. Điều đáng quan tâm nhất bây giờ là con giống, vì giá con giống góp phần rất lớn làm tăng hay giảm giá thành tôm sú.
Hiện nay chúng ta chưa chủ động được con tôm bố mẹ, phải đánh bắt từ biển nên rủi ro tôm bố mẹ mang mầm bệnh vẫn còn. Vào những ngày biển êm ngư dân đi đánh bắt xa bờ thì con tôm bố mẹ không mang mầm bệnh, những ngày biển động, ngư dân đánh bắt ven bờ thì xác suất tôm bố mẹ mang mầm bệnh là rất lớn. Do tính chất của thời vụ, không thể đợi biển êm, mới đi đánh bắt tôm bố mẹ. Do đó, bài toán tôm bố mẹ vẫn là chưa có lời giải.
Trong chiến lược giảm giá thành tôm sú, Công ty Hưng Phú đã bắt đầu chương trình nghiên cứu và tham gia để sản xuất tôm sú bố mẹ. Trong vòng từ 3-5 năm nữa Hưng Phú phải chủ động được nguồn tôm bố mẹ và sản xuất ra tôm bố mẹ sạch bệnh, lớn nhanh, nếu như tôm sú nuôi đạt được năng xuất 15 – 20 tấn/ha thì giá thành sẽ giảm rất nhiều và cạnh tranh được với tôm thẻ chân trắng.