ThienNhien.Net – Chính phủ Brazil đang đứng trước quyết định bỏ phiếu cho một lệnh cấm đặc biệt, đó là việc cấm sử dụng tất cả các loài động vật trong rạp xiếc. Hiện nay, một số quốc gia đã thực thi lệnh cấm này một phần. Nhưng nếu Brazil thông qua, đây sẽ là lệnh cấm toàn phần đầu tiên trên thế giới. Dưới đây là nội dung trích từ bức thư của Mark Jones, Giám đốc giáo dục và sức khoẻ động vật của Quỹ Bảo vệ Động vật châu Á, Hồng Kông trong chiến dịch ủng hộ chính phủ Brazil thúc đẩy việc ra quyết định.
“Với cương vị Giám đốc Giáo dục và Sức khoẻ động vật Quỹ Bảo vệ Động vật châu Á, đồng thời là một người ăn chay luôn luôn quan tâm đến lợi ích của động vật, tôi khẩn thiết đề nghị quốc hội Brazil thông qua lệnh cấm toàn phần đối với việc sử dụng động vật trong rạp xiếc.
Lệnh cấm này sẽ là một tiến bộ vượt bậc so với những quy định mà quốc hội Anh đã ban hành trong khuôn khổ bộ luật sức khoẻ động vật năm 2007, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của đông đảo chuyên gia trong lĩnh vực sức khoẻ động vật trên toàn thế giới về việc cấm hoàn toàn sử dụng động vật trong rạp xiếc.
Có rất nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng động vật biểu diễn trong rạp xiếc không được sử dụng vào mục đích giáo dục. Sự thật này hoàn toàn ngược lại với những gì mà những rạp xiếc, những vườn thú và một số tổ chức vẫn thường tuyên bố.
Các rạp xiếc tự bào chữa cho mình rằng họ mang lại lợi ích giáo dục cho các em nhỏ. Nếu không đến rạp xiếc, các em có thể sẽ không bao giờ được nhìn thấy những loài động vật này. Nhưng hãy xem chúng ta có thể dạy trẻ những gì từ một buổi xem xiếc?
Tất cả những gì trẻ nhìn thấy chỉ là kích thước, hình dạng và màu sắc của những loài vật đó. Tập tính, sự giao tiếp, trí thông minh, bản năng săn mồi, bản năng sinh sản, tình cảm bầy đàn cùng tất cả những khía cạnh liên quan đến hành vi động vật trong cuộc sống tự nhiên đã khiến cho loài động vật đó trở nên độc nhất vô nhị và thú vị vô kể. Song, những điều này đều không được thể hiện ở những động vật trong rạp xiếc.
Bên cạnh đó, sức khoẻ của những loài động vật được sử dụng trong các rạp xiếc di động cũng cần phải được quan tâm đúng mức trong các chương trình huấn luyện của chúng, với yêu cầu di chuyển từ điểm diễn này đến điểm diễn khác, và sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cần thiết nơi đoàn xiếc đến.
Trong rất nhiều trường hợp, các đoàn xiếc không có nhân viên được đào tạo hay trang bị đầy đủ để chăm sóc những con thú đó một cách phù hợp, cũng như chưa tạo một môi trường an toàn cho công chúng xem xiếc. Những quy định nửa vời đối với rạp xiếc trong nhà được chính phủ Anh, một vài chính phủ các nước châu Âu, Singapore, Israel, Ấn Độ và chính quyền vùng thủ đô Úc hiện nay rất không phù hợp để áp dụng khi rạp xiếc di chuyển tử nơi này sang nơi khác.
Rất khó để đảm bảo an toàn cho cộng đồng khi những con thú nguy hiểm có mặt trong các rạp xiếc di động. Không ai muốn lặp lại thảm cảnh 1 nữ y tá bị 1 con voi xổng chuồng trong một rạp xiếc của Thái Lan giết chết năm 2000, 1 con voi xổng chuồng khác đã bị bắn tới 80 lần trước khi ngã gục ở Mỹ, hay 1 con voi đã tự tông vào 1 chiếc xe buýt ở Mêhicô, khiến cả người lái xe và con voi đều chết.
Trong báo cáo nghiên cứu có tựa đề “Việc sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc và sự không hiệu quả của các kế hoạch tái bắt nhốt của các rạp xiếc”, tổ chức Zoocheck Canada (2003) đã nhận xét: “Việc sử dụng động vật hoang dã trong rạp xiếc và các buổi diễn di động mang tính nguy hiểm cố hữu, đặc biệt là với nhân viên rạp xiếc làm việc trực tiếp và những em nhỏ chơi đùa, chụp ảnh cùng những con thú. Những sự cố mà thú biểu diễn xiếc gây ra đối với sức khoẻ và sự an toàn của cộng đồng do tấn công trực diện, xổng chuồng hay sự buông lỏng nhất thời của công tác kiểm soát đã gia tăng đáng kể. Sự gia tăng này có nguyên nhân từ những điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho thú nghèo nàn, các biện pháp đảm bảo an toàn thiếu hụt và sự vận chuyển, di chuyển quá nhiều.”
Quỹ Bảo vệ Động vật châu Á chúng tôi đang nỗ lực tuyên truyền và giáo dục người dân khắp châu Á về sức khoẻ của động vật và nhu cầu nuôi nhốt, chăm sóc những con thú không thể trả về thiên nhiên với những điều kiện môi trường và các yếu tố phát triển phù hợp.
Những nỗ lực của chúng tôi là nhằm đem đến cho các loài động vật “5 sự giải thoát” (thuật ngữ của Hiệp hội bảo vệ các loài động vật hoang dã bị nuôi nhốt). Đây là những yêu cầu cơ bản, song không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng các rạp xiếc đang nỗ lực để mang lại cho các con thú của họ sự chăm sóc tối thiểu này.
Chúng tôi khẩn thiết đề nghị chính phủ Brazil thực hiện bước đột phá này và trở thành hoa tiêu dẫn đường cho các quốc gia khác, kết thúc sự lạm dụng động vật hoang dã một cách dã man trong các rạp xiếc.”