ThienNhien.Net – Tuy rằng so với một vài năm qua, 2008 chưa phải là năm nóng nhất, nhưng theo báo cáo của Cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc tế đây vẫn là một trong 10 năm nóng chưa từng có trong lịch sử. Năm tiếp theo 2009 được dự báo nhiệt độ trung bình sẽ tiếp tục gia tăng.
Khép lại một năm khắc nghiệt
Nhiệt độ trung bình năm 2008 bị ảnh hưởng bởi hiện tượng La Niña, hình thành từ giữa năm 2007. Nhìn lại cả năm 2008 thì thấy nhiều hiện tượng thiên nhiên khắc nghiệt như lụt lội, hạn hán dai dẳng, bão tuyết, những đợt nóng, lạnh kỷ lục đã liên tiếp diễn ra ở khắp nơi trên thế giới.
Nhiệt độ trong những tháng lạnh ở châu Mỹ có nơi đã giảm 4-50C , đặc biệt Nam Mỹ có lúc nhiệt độ giảm xuống còn – 60C. Trong khi đó, một dải kéo từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Trung Quốc, cái rét kéo dài đã gây hàng trăm cái chết ở Afghanistan và Trung Quốc.
Trái lại, nhiệt độ mùa hè, trên cả một vùng rộng lớn gồm Argentina, Paraguay, Đông Bắc Bolivia và Nam Brazil, nhiệt độ cao hơn trung bình 30C, tạo nên một tháng 7 ấn tượng, nóng nhất trong vòng 50 năm qua.
Miền Nam nước Úc cũng đã phải hứng chịu một đợt nóng khủng khiếp vào tháng 3. Bang Adelaide của nước này đã phải chống chọi với nắng nóng dai dẳng suốt 15 ngày liên tiếp với nhiệt độ trên 350C. Đợt nắng này cũng xảy ra ở Đông Nam Âu và Trung Đông trong suốt tháng 4, với mùa xuân ấm áp hơn trên toàn bộ phần còn lại của châu Âu và châu Á.
Đặc biệt, hạn hán kéo dài cũng đã xảy ra ở khu vực Đông Nam của Bắc Mỹ vào cuối tháng 7 gây ra nhiều vụ cháy rừng lớn ở California, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho nền nông nghiệp các nước Nam Mỹ như Argentina, Uruguay and Paraguay.
Những cơn bão tuyết lớn và những cơn bão nhiệt đới cũng đã xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Trong năm vừa qua, Mỹ đã phải hứng chịu 1489 cơn lốc xoáy, con số kỷ lục kể từ năm 1953. Khu vực cận sa mạc Sahara ở châu Phi cũng đã phải hứng chịu những cơn mưa lớn gây ra trận lụt lịch sử ở Zimbabwe. Chỉ trong vòng chưa đầy 6h đồng hồ, một trận mưa lớn trên 200 mm đã đổ xuống Ma-rốc.
Rất nhiều cơn mưa lớn và bão đã xảy ra ở các nước ở khu vực Nam Á như Ấn Độ, Pakistan, và Việt Nam khiến 2.600 người chết và hơn 10 triệu người bị mất nhà cửa ở Ấn Độ. Đáng chú ý là cơn bão nhiệt đới Nargis đã khiến 78.000 người Myanmar thiệt mạng và cuốn trôi hàng nghìn ngôi nhà.
Tổng cộng đã có 16 cơn bão xảy ra ở biển Thái Bình Dương. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử, hơn sáu cơn bão liên tiếp đã gây lở đất ở Mỹ và nhiều cơn bão nhiệt đới lớn đã đổ bộ vào Cuba.
Đáng chú ý là diện tích lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam bán cầu đã lên tới 27 triệu km vuông. Ở Bắc Băng Dương, diện tích của khối lượng băng đo được trong mùa băng tan đã giảm xuống đến mức kỷ lục, dưới 4,67 triệu km2. Năm 2008, một phần tư có khối lượng băng cổ đại ở khu vực Ellesmere ở Biển Bắc Canada bị biến mất.
Năm tới sẽ nóng hơn
Tin từ Cơ quan Khí tượng thủy văn Quốc tế (WMO) hồi cuối tháng 9 cho biết La Niña đã kết thúc và chưa xuất hiện các dấu hiệu trở lại của các hiện tượng El Niño hoặc La Niña ở khu vực Thái Bình Dương. Còn theo thông báo mới nhất của Cơ quan khí tượng Anh, năm 2009 sẽ còn nóng hơn cả năm qua và là 1 trong 5 năm nóng nhất từ trước tới nay. Nhiệt độ trung bình sẽ trên mức bình quân là 0,40C bất chấp hiện tượng La Niña (luồng khí lạnh hình thành ở Thái Bình Dương) tiếp tục trở lại.
Mặc dù vậy, đó vẫn chưa phải là kỷ lục, bởi nhiệt độ sẽ còn gia tăng ở cả năm 2010. Dĩ nhiên khi nghe tin này, mọi người chẳng mấy thắc mắc vì lâu nay họ đã biết rằng trái đất vẫn không ngừng ấm lên, chỉ không biết rằng nó đang bị “hâm nóng” tới cỡ nào mà thôi.
Trái đất đang trải qua giai đoạn các cơn bão tăng cường và điều này có thể sẽ kéo dài sang cả thập kỷ tới. Trước đây, trung bình mỗi năm có khoảng 10 cơn bão, trong đó có 6 cơn bão mạnh. Tuy nhiên, từ năm 1995 số cơn bão xảy ra mỗi năm nhiều hơn.
Tại Đại học bang Colorado (Mỹ), các nhà khoa học dự báo rằng trong năm 2009 khu vực Thái Bình Dương có thể hứng 14 cơn bão. Bảy cơn bão trong số này sẽ là những cơn bão lớn.
Dự báo này cũng chỉ là một thông tin tham khảo thêm bởi đúng một năm trước, tháng 12/2007, hai nhà khoa học là Gray và Klotzbach cũng ở trường Đại học Colorado đã cho rằng năm 2008 sẽ có khoảng 13 cơn bão xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương, 7 trong số đó sẽ là các cơn bão mạnh. Nhưng thực tế, đến hết tháng 11/2008, nơi này đã trải qua 16 cơn bão với 8 cơn bão mạnh.
Điều cuối cùng và quan trọng hơn cả mà các nhà khoa học khuyến cáo mọi người, đó là nên bám sát dự báo của các cơ quan khí tượng thủy văn và các viện nghiên cứu khí tượng trong nước, khu vực mà không nên chủ quan ngay cả trong thời gian ngắn bởi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra độc lập, và không phụ thuộc vào các hiện tượng El Niño hoặc La Niña.