Nhiều năm trở lại đây, hàng chục ngàn người dân di cư tự do (DCTD) tìm đến Đăk Nông không còn có thể thoải mái khai hoang nương rẫy, làm giàu từ đất đai phì nhiêu. Họ không những không thoát được nghèo mà còn gây thêm bao điều hệ lụy…
Theo khảo sát mới nhất của HĐND tỉnh, từ năm 2004 – 2007 đã có 3.010 hộ với 13.818 nhân khẩu từ các tỉnh miền núi phía bắc DCTD vào Đăk Nông.
Số dân này tập trung tại các xã khó khăn nhất của tỉnh như Đăk Ha, Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); Đăk Ngo, Đăk Búk So (huyện biên giới Tuy Đức) v.v…
Phần lớn dân DCTD có trình độ canh tác lạc hậu, không đất sản xuất, sinh sống trong điều kiện khắc nghiệt, thường xuyên gặp thiên tai nên đời sống vô cùng khó khăn. Trong đó phải kể đến 391 hộ người Mông (gần 2.000 khẩu) vào xã Đăk Ngo (Tuy Đức) từ năm 2004, đến nay vẫn chưa có đất ở lẫn đất sản xuất.
Hoặc 24 hộ Mường, Dao phải sống trong vùng ngập lụt quanh năm tại khu vực đèo 52 thuộc địa bàn xã Đăk Nang, huyện Krông Nô v.v … Lãnh đạo xã Đăk Som huyện Đăk Glong cho biết hơn 300 hộ DCTD ở xã này sinh sống chủ yếu bằng nghề… săn bắt thú rừng và hiện nay đang lâm vào cảnh thiếu ăn vì thú rừng đã cạn kiệt.
Cũng theo khảo sát của HĐND tỉnh, do những năm gần đây không còn có thể thoải mái phá rừng làm nương rẫy nên dân DCTD thường đói ăn 2 – 3 tháng/năm, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 2 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ đói nghèo trên 51%.
Do dân DCTD thường tìm đến những vùng xa xôi hẻo lánh ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương nên không hề có “điện, đường, trường, trạm”, tình trạng bệnh tật, trẻ em thất học rất phổ biến v.v …
Để cải thiện tình hình của hàng vạn người dân DCTD mới vào này, đồng thời hạn chế tình trạng mất rừng, tỉnh Đăk Nông đã xây dựng tất cả 28 dự án để ổn định sắp xếp dân DCTD (16 dự án đã phê duyệt, 12 dự án có chủ trương) với tổng kinh phí hơn 400 tỷ đồng.
Nhưng theo ông Vũ Mạnh Khuông – Chi cục trưởng Chi cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn tỉnh, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ ổn định dân DCTD – thì địa phương đang khốn khổ vì không chạy đâu ra nguồn kinh phí khổng lồ đó. Dù địa phương đã hết lời cầu cạnh nhưng mỗi năm ngân sách trung ương chỉ rót về 5 – 6 tỷ đồng cho những dự án này.
Trong khi đó, Đăk Nông vẫn nằm trong tốp cuối của những tỉnh nghèo với tổng thu ngân sách chưa tới 200 tỷ đồng/năm. Vì vậy, hơn một nửa số dự án phải nằm trên giấy chờ ngày… bị lãng quên, nhiều dự án may mắn được thực hiện thì chỉ nửa chừng bị phá sản vì hết vốn.
Điều khiến chính quyền “đau đầu” nhất là không có cách nào kiểm soát nổi nạn phá rừng, mua bán đất do dân DCTD gây ra. Hàng năm, hàng trăm hécta rừng ở Đăk Nông bị gọt trụi do nhu cầu đất sản xuất của dân DCTD.
Chỉ tính riêng tại xã Quảng Thành nằm ngay vùng ven của thị xã Gia Nghĩa, trong vài năm trở lại đây có đến 470 ha rừng bị dân DCTD biến thành đất canh tác. |