Tình trạng cao ốc, công trình xây dựng đua nhau mọc lên như nấm nhưng lại không bố trí diện tích trồng cây xanh sẽ làm cho không khí ở TP ngày càng ngột ngạt vì môi trường ô nhiễm”. đây là cảnh báo của nhiều nhà khoa học về lĩnh vực cây xanh- môi trường trước tình trạng mảng xanh đô thị ở TP.HCM đang bị thiếu hụt trầm trọng.
“Cuộc chiến” không… cân sức
TS Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, cho biết đến năm 2010, TP sẽ có hơn 8 triệu dân (không kể dân từ các tỉnh, thành khác đến) và mỗi năm người dân sẽ thải ra môi trường trên 2,5 triệu tấn khí carbonic (CO2). Nếu phân nửa lượng khí này bay vào thượng tầng không khí thì cũng còn khoảng gần 1,3 triệu tấn CO2 cần được xử lý, thanh lọc.
Ngoài ra, đến năm 2010, chỉ riêng khu vực nội thành (gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp) mỗi năm sẽ hứng chịu 5.000 tấn bụi các loại, 46 tấn bụi chì, 213.145 tấn khí CO, 19.544 tấn khí NO2, 86.708 tấn khí SO3…
Theo TS Mỹ, để hấp thu được lượng khí thải độc hại trên, TP cần phải có đến 7.500 ha diện tích cây xanh. Tuy nhiên, hiện nay TP chỉ có khoảng trên 1.000 ha cây xanh và nếu tính hết quỹ đất có thể dành cho cây xanh thì đến năm 2010 diện tích cây xanh TP cũng chỉ đạt khoảng 3.500 ha.
PGS-PTS Vũ Xuân Đề, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp, cho biết thêm theo tiêu chuẩn cư dân đô thị, diện tích cây xanh phải chiếm trên 25 m2/người. Song hiện nay, tỉ lệ cây xanh của TP chỉ đạt 3-4 m2/ người.
Bao giờ cây xanh theo kịp đô thị hóa?
Theo Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, để bảo đảm mảng xanh cho TP, từ năm 1975 đến nay công ty đã phát triển từ 54 ha công viên lên 109 ha (không kể công viên phân cấp cho quận, huyện, đơn vị khác quản lý). Tuy nhiên, do quỹ đất dành cho công viên còn ít, ngân sách còn eo hẹp nên tốc độ đầu tư xây dựng công viên không theo kịp tốc độ đô thị hóa.
TS Lê Minh Trung, Phó Phòng Kỹ thuật Công ty Công viên Cây xanh TPHCM, cho biết hiện đề án quy hoạch công viên, cây xanh đến năm 2020 (do Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 1 thuộc Sở GTCC làm chủ đầu tư) đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều quận-huyện chưa có quy hoạch chi tiết nên vẫn chưa biết đến khi nào mới hoàn thành.
Trước mắt, TP sẽ tiến hành quy hoạch cây xanh đường phố ở khu vực trung tâm để bố trí cây trồng trên theo từng chủng loại thích hợp. Còn TS Trần Viết Mỹ cho rằng để bảo đảm mảng xanh đô thị, TP phải có những quy định cụ thể để đến năm 2010, diện tích cây xanh ở trường học, công sở trung bình phải đạt 20%, cây xanh ở bệnh viện phải chiếm từ 20%-30% diện tích.
Bên cạnh đó, đối với công trình xây dựng cao ốc, chung cư cũng nên quy định trích một phần diện tích để trồng cây xanh.
PGS-PTS Vũ Xuân Đề cho rằng trước tình trạng thiếu mảng xanh trầm trọng như hiện nay, TP nên dành khoảng 50 m bề ngang dọc theo sông Sài Gòn và tận dụng tối đa diện tích dọc theo kênh rạch để trồng cây. TS Lê Minh Trung đề xuất thêm, nên tiến hành xã hội hóa, giao cây giống cho người dân trồng và chăm sóc để tăng diện tích mảng xanh cho TP.
Cần đánh giá hiện trạng để đề ra diện tích cây xanh Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM, trong quy chuẩn xây dựng, Việt Nam đã có quy định về chỉ tiêu cây xanh, từ đó mới hình thành chỉ tiêu trong từng đồ án quy hoạch cụ thể. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007 cũng có quy định về chỉ tiêu cây xanh, quy hoạch chung của mỗi quận-huyện cũng có. Tuy nhiên, chỉ tiêu này khác nhau tùy theo vị trí cũng như đặc điểm của từng đồ án. Ví dụ, khu đô thị mới phải có chỉ tiêu cây xanh theo đúng quy chuẩn. Nhưng tại những khu đô thị hiện hữu như các quận nội thành TPHCM thì cần đánh giá hiện trạng trước rồi mới đề ra diện tích cây xanh tối thiểu. |