Kết quả điều tra ở các tỉnh có nhiều làng nghề như ở Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định, Hưng Yên, Nghệ An… về môi trường và sức khỏe người lao động, do cơ quan thuộc Bộ Y tế tiến hành, có một thực trạng đáng lo ngại. Đó là hầu hết các làng nghề đều bị ô nhiễm nặng cả về nguồn nước lẫn không khí.
Nguyên nhân do nước thải không được xử lý, chất thải rắn tồn đọng, chất chứa. Các làng dệt, đúc kim loại, cơ khí… dùng các hóa chất gây độc hại; các làng gốm, thu gom phế liệu, ô nhiễm càng nghiêm trọng, gây hại đến sức khỏe dân cư và nhất là với người lao động trực tiếp, trẻ em, người già.
Cũng qua điều tra cho thấy, số người sức khỏe yếu kém chiếm tỷ lệ rất cao; các bệnh về dị ứng, hô hấp, mắt, cơ, xương, khớp có chiều hướng gia tăng. Một đề tài nghiên cứu mới đây của sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Nghệ An cho thấy, tại các làng nghề làm cơ khí, đến hơn 80% số hộ có người mắc bệnh hô hấp, ngoài da. Họ phải cố chịu đựng, nhưng khách ở xa đến đều cảm thấy không sao chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ các cống rãnh, ao chuôm.
Chính quyền một số địa phương đã tìm nhiều biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và vận động nhân dân thực hiện, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn có chiều hướng gia tăng. Giải pháp cơ bản là khẩn trương quy hoạch và xây dựng khu vực sản xuất, kinh doanh riêng biệt, cách xa khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn… đủ tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.
Các làng nghề đều ủng hộ, nhưng lại vấp phải những vấn đề nan giải như việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. Và khi xây dựng những hệ thống nước thải cũng cần đầu tư lớn. Kinh phí biết lấy đâu ra?. Khó khăn là vậy, nhưng nếu chúng ta chậm trễ, e rằng tai họa môi trường, về bệnh tật, sức khỏe nhân dân sẽ ngày càng nghiêm trọng; và các làng nghề chắc chắn đứng trước nguy cơ phải di dời đi nơi khác.