ThienNhien.Net – Thủy điện là một trong những hướng phát triển năng lượng chủ đạo và được ưu tiên ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch, thi công những công trình thủy điện hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc tạo nên những bức xúc trong xã hội. Dưới góc nhìn của một chuyên gia lâm nghiệp, TS. Đoàn Bổng cho rằng việc phát triển thủy điện cần gắn với công tác bảo vệ vùng sinh thủy. Dưới đây là một số ý kiến của ông về vấn đề này.
TS. Đoàn Bổng: “Nói tới phát triển thủy điện có 3 điều cần quan tâm, đó là kinh tế-văn hóa-xã hội, môi trường và tính bền vững của công trình.
Về khía cạnh kinh tế xã hội, vấn đề thường được nói đến là tái định cư, báo chí cũng đã đề cập đến nhiều, đất ngày càng thu hẹp trong khi người thì đông lên. Khi phát triển thủy điện, giải quyết vấn đề kinh tế xã hội không chỉ đơn thuần là việc di dời dân chuyển chỗ ra nơi khác rồi tiến hành đền bù bởi có nhiều thứ không thể đánh đổi bằng vật chất, chẳng hạn như truyền thống văn hóa, tâm linh hay mồ mả cha ông.
Việc áp đặt lối sống của người Kinh, buộc người dân địa phương phải theo như ở nhiều nơi hiện nay vừa làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc, vừa dễ gây xung đột.
Trong kỳ họp quốc hội vừa qua, cũng đã có vị đại biểu nhận xét: Tái định cư ở ta đang có xu hướng dẫn đến tái nghèo. Vì nếu chỉ đền bù mà không lo sinh kế cho người dân, khi họ tiêu hết tiền đền bù lại không có đất canh tác ắt sẽ nảy sinh tiêu cực xã hội. Nói đâu xa, những dự án phát triển công nghiệp ở vùng ven Hà Nội hiện nay đã cho thấy điều này.
Trên thế giới, cũng có nhiều nơi người dân phản đối thủy điện ngay cả khi thủy điện được quản lý tốt bởi đó là việc áp đặt quyền lợi của “nhóm lớn” lên lợi ích của “nhóm nhỏ”, chưa nói đến công tác quản lý ở ta hiện còn rất nhiều bất cập. Dự án thủy điện Tả Trạch (Huế) tuy chưa xây nhưng trong thiết kế đã thể hiện tính thiếu bền vững, còn thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cũng đã bị kêu ca về sự quản lý và làm thay đổi kinh tế xã hội địa phương (Giữa tháng 12/2007 tại thủy điện Bản Vẽ đã xảy ra sự cố sập núi đá nghiêm trọng làm chết 18 cán bộ, công nhân đang thi công công trình – PV).
Ngoài các vấn đề kinh tế văn hóa xã hội, hai yếu tố khác cũng cần quan tâm là môi trường và độ bền vững của công trình. Hai yếu tố này tác động qua lại rất chặt chẽ với nhau. Nhiều công trình độ bền lý thuyết và độ bền thực tế khác xa nhau. Công suất của hồ phụ thuộc nguồn cung cấp nước từ thượng nguồn – còn gọi là vùng sinh thủy, mà vùng sinh thủy thì không chỉ phụ thuộc vào diện tích rừng đầu nguồn, nó còn do cấu trúc và chất lượng rừng quyết định.
Năm 1945, độ che phủ rừng nước ta là 45%, sau bị tàn phá đã giảm đi nhiều và giờ đang phục hồi lên mức 33%. Mặc dù rừng có hồi phục nhưng bản chất rừng đã thay đổi, chủ yếu là rừng trồng, mà rừng trồng lại đơn tầng, khác hoàn toàn so với rừng nguyên sinh đa tầng tán trước đây.
Người ta nói nhiều đến nguy cơ xói mòn đất khi mất rừng. Đúng, xói mòn là có nhưng điều quan trọng hơn và cũng cần được các nhà lãnh đạo chú ý hơn, đó là việc mất đi khả năng giữ và điều tiết nước. Người ta có thể dùng bê tông hay trồng cỏ để chống xói mòn, tuy nhiên điều đó không thể nào thay thế được chức năng của rừng: giữ và điều tiết nước. “Để điều tiết nước, phải là rừng nguyên sinh, nhiều tầng tán chứ không phải rừng đơn tầng” – TS. Đoàn Bổng khẳng định lại một lần nữa.
Một minh chứng cụ thể, hồ thuỷ điện lớn như hồ Hòa Bình theo dự kiến “tuổi thọ” tới 50 năm nhưng mới được có 15 năm đã bồi lắng và bị coi là hồ chết, đó cũng là do chúng ta đã không quản lý tốt vùng sinh thủy – vùng giữ nước.
Đến công trình thế kỷ, thủy điện Sơn La hiện nay, điện chủ yếu để phát triển khu vực miền xuôi nhưng sự phát triển ấy có đầu tư ngược trở lại cho người dân sinh sống ở vùng thượng nguồn không? Đất Sơn La sâu và xốp nhưng mất rừng rồi thì cũng chảy trôi hết, dù sản lượng ngô có đạt 1 triệu tấn như công bố của tỉnh thì cũng không bù lại được?
Mới đây, công trình thuỷ điện tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Cũng vì mở cửa tự do hóa một cách thiếu kiểm soát nên nhà đầu tư phát triển thủy điện mà cũng lờ đi vấn đề môi trường. Nói xin một nhưng phá diện tích rừng gấp mấy lần, đó là chưa kể đã phá hủy cấu trúc rừng và đa dạng sinh học.
Cái lợi ngay trước mắt nhưng hậu quả phải gánh chịu là lâu dài, cần phải sửa dù nhanh hay chậm.
Vậy, giải pháp là gì? Theo tôi, CDM là một giải pháp. Hiện nay tín dụng các bon thu được từ rừng lá rộng thường xanh nhiều tầng tán lớn hơn so với rừng trồng bởi kiểu rừng này hấp thụ nhiều CO2 hơn, tuy nhiên lại nảy sinh mâu thuẫn nếu trồng rừng thì chỉ 10 năm thu được tiền trong khi quá trình diễn thế tự nhiên để hình thành nên rừng tự nhiên thì mất rất lâu.
Do đó, chúng ta cần phải xây dựng mục tiêu chiến lược dài hạn, đầu tư một lần nhưng đầu tư chất lượng để thu về nhiều lợi ích, không chỉ có được rừng mà còn phát triển cả thủy điện. Nhật Bản họ đã nhận ra vấn đề này và có chiến lược đầu tư từ hàng chục năm trước đây, Trung Quốc cũng đã có một vài vùng tiến hành thực hiện, không lẽ gì mà ta không làm được điều đó.”