Là vùng đất có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông – lâm – thuỷ sản, dịch vụ du lịch…, thế nhưng, lâu nay miền Trung – Tây Nguyên (MT- TN) vẫn được coi là vùng kinh tế chậm phát triển so với hai đầu đất nước. Bài toán đặt ra là, trước thời cơ hội nhập, các địa phương, doanh nghiệp phải “bắt tay” nhau như thế nào để đưa kinh tế vùng phát triển?
Thực trạng chung: “kinh tế phong trào”
Miền Trung – Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, chiếm gần 35,2% diện tích tự nhiên và 29,8% về dân số của cả nước. Sau hơn 20 năm đổi mới, kinh tế các địa phương MT- TN đã có bước phát triển vượt bậc với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 9,5-11%. Cơ sở hạ tầng kinh tế đã từng bước hoàn thiện, đặc biệt với sự hình thành và phát triển của 21 khu công nghiệp, 7 khu kinh tế, 4 cảng nước sâu làm hạt nhân tăng trưởng cho cả khu vực và đang là địa chỉ hấp dẫn thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, do điều kiện “thiên thời”, “địa lợi” na ná nhau nên việc quy hoạch phát triển kinh tế của các địa phương cũng bộc lộ rất nhiều bất cập, đó là sự trùng lặp trong đầu tư phát triển mà nhiều người gọi là “hội chứng kinh tế phong trào”.
Tỉnh nào cũng phấn đấu “vì màu cờ sắc áo” của mình, thế là đua nhau ưu đãi đầu tư với mức thấp nhất để lôi kéo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thấy tỉnh bạn có dự án, nhà máy gì thì bằng mọi giá, tỉnh mình cũng phải làm cho được, bất chấp quy luật cung cầu của thị trường. Chẳng thế mà một thời, ở các tỉnh MT- TN, địa phương nào cũng có nhà máy bia, gạch tuy nen, gốm sứ, chế biến tinh bột sắn…
Hiện nay, cuộc đua phong trào này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại mà còn rộ lên với những dự án nâng cấp, xây dựng sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế… Với hàng ngàn hecta đất được quy hoạch, hàng ngàn tỷ đồng đổ vào xây dựng nhưng chỉ khởi công lấy ngày, tính thành tích xong là “trơ gan cùng tuế nguyệt”, không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trên lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương cũng đưa “nông dân lên đường” với phong trào trồng quế, dứa, cao su, cà phê, sắn, bông vải… bất chấp khả năng đất đai, khí hậu thổ nhưỡng địa phương có phù hợp hay không.
Thực trạng quy hoạch kinh tế theo địa giới hành chính, cát cứ địa phương đang làm cho kinh tế MT- TN manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường rộng mở khi Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thực trạng này còn làm cho môi trường đầu tư và cạnh tranh của các doanh nghiệp thiếu lành mạnh, gây lãng phí lớn. Đơn cử, như nhà máy đường An Khê (Gia Lai) và nhà máy đường Bình Định chỉ cách nhau chưa đầy 30km, nhưng nằm ở hai tỉnh khác nhau nên không vụ mía nào lại không xảy ra giành giật, tranh mua nguyên liệu của nhau. Hay Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phong An (Thừa Thiên – Huế) và Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hải Lăng (Quảng Trị) cũng chỉ cách nhau chưa đầy 30km trong khi vùng nguyên liệu của cả hai tỉnh cũng chỉ đủ cho một nhà máy hoạt động, thế là chia nhau hoạt động cầm chừng.
Liên kết và hội nhập vùng: Hướng đi hiệu quả
Minh chứng rõ nhất cho hiệu quả liên kết kinh tế của các địa phương MT – TN thời gian qua là trên lĩnh vực du lịch, với sự ra đời của các thương hiệu du lịch lớn mang tầm quốc tế như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên”, “Con đường xuyên á”… Nhiều địa phương khai thác tốt những con đường liên kết du lịch này, đã đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn, như Quảng Nam, Lâm Đồng, Bình Thuận, Khánh Hoà… với doanh thu du lịch trên 1.000 tỷ đồng/năm, góp phần nâng mức tăng trưởng du lịch bình quân hàng năm của MT- TN trên 30%.
Chính từ bước đột phá hiệu quả của ngành du lịch trong liên kết hội nhập, nên thời gian qua rất nhiều lĩnh vực sản xuất – kinh doanh trên địa bàn MT – TN đã hướng đến việc liên kết bắt tay nhau để tiến ra “biển lớn”. Sôi động nhất là từ cuối năm 2006, một loạt hội nghị liên kết vùng về du lịch, thương mại, xúc tiến đầu tư với thị trường trong nước và quốc tế được tổ chức ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế… Năm 2007, sự hợp tác liên kết này càng được khẳng định rõ hơn với việc nhiều hội nghị liên kết kinh tế trên các lĩnh vực được tổ chức thành công ở miền Trung.
Tuy sự liên kết này mới chỉ trên bàn hội nghị, nhưng điều đáng nói là tất cả các địa phương MT – TN đã thống nhất được chương trình hành động hướng đến mục đích chung là “hội nhập vùng” để tiến ra sân chơi lớn WTO, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2008 và những năm tiếp theo từ 12 – 15%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 20 – 30%/ năm, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5 tỷ USD/năm.
Các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm MT – TN (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định…) đều có số thu ngân sách trên 1.000 tỷ đồng/năm… Để đạt được mục tiêu này, ngoài sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, các cấp ngành chức năng của địa phương trong việc xác định lợi ích chung, nguồn lực hỗ trợ, quy mô liên kết, giải pháp thực hiện, MT – NT rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành, Trung ương trong việc quy hoạch kinh tế vùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khắc phục được tình trạng kinh tế “phong trào”, kinh tế “cát cứ” đầu tư tràn lan, manh mún, lãng phí như hiện nay.
Có thể nói, phát triển tốt các chương trình hợp tác liên kết kinh tế không chỉ đem lại cho MT – TN một năng lực đầu tư mới để tạo nên những thương hiệu sản phẩm hàng hoá có sức cạnh tranh cao trên thị trường, mà còn là nền tảng kinh tế cho sự phát triển bền vững, là “đòn bẩy” quan trọng để kinh tế MT – TN tăng tốc trong thời gian tới.