Sử dụng phần mềm Foles, nghĩa là biết được tiềm năng đất lâm nghiệp, cây trồng thích hợp đối với loại đất, phân hạng đất vi mô, dự đoán năng suất và phân tích hiệu quả kinh tế. Qua đánh giá và thử nghiệm tại một số địa bàn lâm nghiệp là Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang…phần mềm cho kết quả chính xác, dễ sử dụng, có khả năng chạy ổn định trên các máy vi tính có cấu hình thấp nên phù hợp để chuyển giao về các địa phương.
Phần mềm này do 2 nhà khoa học Hoàng Việt Anh và Ngô Đình Quế thuộc Trung tâm nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) thực hiện. Phần mềm giúp ứng dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài “Phân hạng đất trồng rừng sản xuất một số loài cây chủ yếu ở các vùng trọng điểm” (2006-2009) vào thực tiễn sản xuất một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Foles có 4 mục chính là thiết lập chỉ số, nhập liệu tính toán, xử lý bản đồ, lập báo cáo và tính toán kinh tế. Việc này cho phép chồng ghép các bản đồ thành phần, tạo đơn vị đất đai, xem bảng dữ liệu các yếu tố thành phần cho toàn bộ vùng nghiên cứu hoặc cho từng đơn vị đất đai, chọn lựa từ 30 loài cây có sẵn trong thư viện loài cây trồng.
Mục báo cáo cho phép lập 6 loại báo cáo thống kê và tổng hợp về yếu tố tự nhiên, đơn vị đất đai, thích hợp cây trồng, dự báo năng suất và phân tích chi phí. Mục phân tích kinh tế cho phép tính toán lợi nhuận ròng, thuần tại thời điểm khai thác, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ, dự báo mức đầu tư dựa trên mức doanh thu kỳ vọng.
Dựa trên kịch bản phân tích kinh tế các loài cây, người sản xuất có thể lựa chọn mô hình kinh doanh rừng hiệu quả nhất. Mô hình kinh doanh lựa chọn có thể tối ưu hoá không những về loài cây trồng mà còn về vốn đầu tư và chu kỳ kinh doanh.
Foles có thiết kế giao diện thân thiện, người dùng không cần có kiến thức về hệ thống thông tin địa lý (GIS) vẫn dễ dàng sử dụng chương trình thông qua các bước hướng dẫn đơn giản được thiết kế theo dạng vòng khép kín.
Toàn bộ hệ thống tính toán bản đồ, xây dựng báo cáo, tạo bản in đều được tự động hoá tạo ra 2 lợi ích: Người dùng có được bộ kết quả bản đồ, báo cáo theo tiêu chuẩn tránh được các nhầm lẫn không đáng có về bản đồ học, địa danh và chính tả. Người sử dụng giảm thiểu công sức, thời gian trong các dự án quy hoạch về tạo các bản đồ, báo cáo thành quả, vốn đầu tư để tập trung nghiên cứu kết quả đầu ra, xem xét và lựa chọn các mô hình canh tác, kinh doanh rừng hiệu quả.