Bên cạnh sự phát triển của các làng nghề Gốm Bát Tràng, dát vàng quỳ và giả da Kiêu Kỵ, nhuộm vải Ninh Hiệp, v.v…, vấn đề bảo vệ môi trường tại những làng nghề này dường như đang bị bỏ quên.
Làng nghề Bát Tràng – Sống chung với bụi than
Mất khoảng 45 phút chạy xe từ trung tâm thành phố Hà Nội là tới làng gốm Bát Tràng. Ấn tượng đầu tiên cảm nhận được là không khí đặc quánh của mùi than, bụi và khói.
Có thể dễ dàng nhận thấy, thủ phạm gây ô nhiễm môi trường tại Bát Tràng chính là những lò nung than thủ công.
Theo người dân sống tại khu vực, hiện nay cả làng có khoảng hơn 1.000 lò gốm, trong đó chỉ có chưa đầy 30% số hộ sử dụng lò nung khí gas, còn lại người dân vẫn dùng lò nung bằng than.
Việc sử dụng than trong sản xuất, kéo theo đó hàng loạt phế phẩm từ than như: xỉ, khói bụi làm cho bầu không khí ở Bát Tràng luôn trong tình trạng âm u và có mùi khét lẹt.
Nhìn từ xa, ai cũng có thể thấy những cột khói than đen xì tản theo gió bay khắp nơi, kéo theo một thứ mùi cay nồng đặc quánh xộc vào mũi. Trong khí than luôn chứa nhiều chất độc gây hại cho cơ thể con người như CO2, SO2, NO2,, v.v…
Trong tình trạng ô nhiễm như vậy,hàng ngày, hàng trăm công nhân, thợ gốm và cả người dân Bát Tràng vẫn phải sống chung cùng bụi, khói.
Ông Lê Văn Tám, làm nghề gốm 20 năm nay, tâm sự: “Chúng tôi sinh ra đã được ông bà truyền lại cho nghề làm gốm, biết là độc hại nhưng vì cuộc sống đã gắn với nghề nên cũng đành chịu. ở làng này không ít người đã chết vì ung thư phổi rồi…”.
Ô nhiễm nguồn nước và không khí
Rời làng gốm Bát Tràng, tới xã Ninh Hiệp, nơi không chỉ nổi tiếng có nghề buôn vải mà được biết đến với nhiều cơ sở nhuộm vải.
Tiếp xúc với một số hộ dân, được biết hiện ở đây có một số cơ sở nhuộm vải đổ trực tiếp nước thải ra các mương, cống gây ra tình trạng ô nhiễm rất đáng báo động.
Tất cả hệ thống kênh mương trải dài bán kính khoảng 3km nước đen ngòm, có hàm lượng thạch tín cao ảnh hưởng đến các sinh hoạt của dân nơi đây.
Bà Vũ Thị Nụ, người buôn vải ở chợ Nành – Ninh Hiệp, cho biết: “Hầu như các ao hồ thả cá trong khu vực gần một số cơ sở nhuộm vải đều không thể sống được. Một phần diện tích lúa bà con trồng cũng cho năng suất thấp. Sự việc đã được dân kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đến nay tình trạng ô nhiễm vẫn không được cải thiện…!”.
Nhiều người ở đây có chung thắc mắc: “Vì sao các cơ sở nhuộm vải trên địa bàn xã Ninh Hiệp gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, làm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như sản xuất của người dân trong xã nhiều năm nay nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để?!”.
Điểm đến tiếp là làng Kiêu Kỵ, thuộc xã Kiêu Kỵ nơi có hai nghề thủ công nổi tiếng là dát vàng quỳ và làm đồ giả da. Tìm vào một cơ sở sản xuất đồ giả da có tiếng trong làng, bị ngộp thở ngay bởi mùi nhựa tổng hợp bay ra từ khu nhà xưởng.
Theo ông P.Đ.T, chủ cơ sở sản xuất, một trong những nguyên liệu để cho ra thành phẩm là những chiếc cặp học sinh, túi xách mà thường ngày vẫn bày bán ở những cửa hiệu trong nội thành.
Ngay từ cổng vào xưởng sản xuất của ông T ngổn ngang những đống nhựa với hình thù kỳ dị, đủ màu sắc đang chờ được chế biến, hàng bao tải phế liệu chất thành đống.
Với số lượng 500-600 chiếc cặp/ngày được xuất xưởng, không hiểu lượng rác thải sẽ được ông T và nhiều hộ gia đình ở đây xử lý ra sao.
Dừng chân tại một gia đình có nghề dát vàng quỳ nhiều đời tại Kiêu Kỵ, thấy đâu đâu cũng nhuộm một màu đen.
Không khí làm việc chỉ được cảm nhận khi bước vào bên trong những căn phòng được che chắn cẩn thận.
Bà Lê Thị Dịu, một nghệ nhân đang cặm cụi lướt quỳ, với bàn tay trần thoăn thoắt thấm vào đĩa mực đen xì, nhầy nhẫy, bốc mùi quệt vào những mảnh giấy dó bằng bao diêm nói: “Mực này được nấu từ nhựa thông và da trâu đấy”.
Ai cũng biết, việc khuyến khích và phát triển các làng nghề là điều cần thiết, nó chẳng những phát huy truyền thống văn hóa mà còn phát huy nội lực trong dân nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ quên vấn đề môi trường – một yếu tố quan trọng của sự phát triển bền vững.