Về xã Văn Lang (Hưng Hà – Thái Bình) bây giờ đâu đâu cũng thấy bà con bàn chuyện chuyển đổi vùng đất trũng cấy lúa năng suất thấp sang làm VAC. Điều đó đã được “các bác Hội Làm vườn” chứng minh bằng những trang trại ngút ngàn màu xanh cây lá, dưới ao cá lội tung tăng và đàn gà, lợn núc ních trong chuồng…
Người dân Thái Bình ngàn đời nay vốn chỉ quen với cây lúa, Văn Lang cũng không ngoại lệ. Từ đồng xa đến đồng gần, ruộng cao đến ruộng trũng đều dành cho lúa. Một năm hai vụ, khi những cây mạ cuối cùng được cắm xuống là khoảng thời gian dằng dặc, chăm sóc và chờ đợi có một vụ mùa bội thu.
Cuộc sống vì thế cứ tàng tàng, tuy chẳng thiếu cái ăn nhưng cũng không bao giờ dư giả. Thế rồi Hội Làm vườn (HLV) xã được thành lập, cùng với các ban ngành, đoàn thể khác vận động bà con đánh thức tiềm năng, vốn lâu nay bị bỏ quên trong chính khu vườn của từng gia đình. Những giống cây ăn quả mới, chỉ nghe tên thôi đã thấy lạ lẫm lần lượt theo chân “các bác trong Hội” neo đậu, bén rễ trên từng mảnh vườn; hệ thống ao hồ được quy hoạch lại để thả cá. Một số hộ còn mạnh dạn “nhận” khu ruộng trũng, xấu để cải tạo thành trang trại VAC.
Cứ thế, những cách làm ăn mới, cho hiệu quả kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều ở Văn Lang, đưa xã trở thành một trong những điển hình của huyện trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch HLV xã cho biết: Hội có gần 100 hội viên, sinh hoạt ở 6 chi Hội. Để đạt được những kết quả trên, Hội đã tổ chức cho hội viên tham gia sinh hoạt theo Điều lệ, qua đó tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế theo mô hình VAC; tích cực chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế của các loại cây trồng, vật nuôi; tổ chức đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm ở những địa phương làm tốt phong trào.
Vì thế các chi Hội triển khai phát triển kinh tế VAC rất hiệu quả như Thượng Ngạn 1, Phú Khu, Mỹ Lương, Thưởng Duyên, Vĩnh Tuyền. Đến nay, Hội đã cải tạo được hàng chục ao – hồ với diện tích trên 25 mẫu (1 mẫu = 3.600m2), cho thu hoạch hàng chục triệu đồng/mẫu.
Đã có gần 20 hội viên xây dựng được mô hình trang trại và gia trại chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp. Bình quân mỗi gia đình nuôi 15 – 150 con lợn, hàng năm xuất chuồng hàng chục tấn lợn hơi và hàng trăm con lợn giống. Trên 10 hội viên chuyên chăn nuôi vịt đẻ, bình quân 100 – 250 con/đàn. Nhiều hội viên còn áp dụng nuôi theo mô hình tổng hợp, trên một sào ao (360m2) làm sàn nuôi lợn, gà, ngan để tận dụng chất thải nuôi cá, điển hình như các hộ Đào Ngọc Phao, Nguyễn Xuân Quân, Nguyễn Huy Nguyên… thu lãi hàng chục triệu đồng/năm.
Những điển hình trong phong trào phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại ở Văn Lang đã góp phần nâng cao vị thế của Hội trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Không biết tự lúc nào, bà con coi Hội là “địa chỉ xanh” chuyên cung cấp những cây – con giống có chất lượng, hiệu quả; có thể giải đáp kịp thời những thắc mắc trong quá trình sản xuất.
Gia đình ông Nguyễn Xuân Quân, Chi hội trưởng chi Hội thôn Thưởng Duyên có 8 sào ao, áp dụng theo mô hình tổng hợp, hàng năm thu lãi 12 – 18 triệu đồng; trong khi, cấy một mẫu lúa chỉ thu được 4 triệu đồng.
Cũng thực hiện mô hình chuyển đổi, anh Đinh Văn Hưng bỏ hẳn việc cấy lúa, phá hết cây tạp để chuyên trồng cây ăn quả và cây cảnh, thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. Khoản thu này đã giúp anh có tiền nuôi con học đại học, xây nhà cao tầng và mua sắm tiện nghi sinh hoạt.
HLV Văn Lang phát triển cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều gia đình hội viên đạt thu nhập cao, đời sống được nâng lên về mọi mặt. Không những thế, sự phát triển của Hội còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, đẹp gia đình, quê hương làng xã và thúc đẩy nhiều hoạt động khác.
Để tổ chức Hội thực sự là chỗ dựa của nông dân và người làm vườn, ông Bình cho rằng, vai trò chỉ đạo của các cấp chính quyền là rất quan trọng. Qua kinh nghiệm của đơn vị mình, ông Bình rút ra nhận xét: ở nơi nào cấp uỷ chính quyền quan tâm, cán bộ Hội hết lòng, hội viên nhiệt tình; Hội cấp trên luôn quan tâm tập huấn, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, quan tâm đến khâu tiêu thụ sản phẩm thì chắc chắn Hội và phong trào nông dân vươn lên làm giàu ở đó sẽ phát triển vững mạnh. Trong thời gian tới, HLV Văn Lang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành để hoàn thành tốt nhiệm vụ.