Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có trên 32 vạn con trâu, bò, gần 500 ngàn con lợn và khoảng 4 triệu con gia cầm, hàng ngày, thải ra một lượng phân rất lớn làm ảnh hưởng môi trường sống. Vì vậy, tỉnh Sơn La đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế của nông nghiệp đưa phát triển chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính thì vấn đề xử lý môi trường do chất thải chăn nuôi là rất quan trọng.
Sơn La là một trong số 23 tỉnh được tham gia chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam do Cục chăn nuôi làm chủ đầu tư, với mục đích cải thiện vệ sinh môi trường và năng lượng cho người dân và nông thôn phát triển bền vững, góp phần giảm thải khí nhà kính (trong đó cơ chế phát triển sạch (CDM) do thế giới phát động) từ năm 2006 đến 2010.
Trong năm 2006, tỉnh Sơn La đã làm thí điểm 200 công trình biogas trên địa bàn 5 huyện: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu và Thị xã, bước đầu thu được kết quả thiết thực. Năm 2007, tỉnh tiếp tục xây dựng 250 công trình trên địa bàn 10 huyện, thị xã (trừ Quỳnh Nhai).
Như vậy, trong 2 năm đã xây dựng 450 công trình theo tiêu chuẩn ngành 10TCN – 494 – 497 – 2005 của Bộ NN&PTNN.
Lợi ích về kinh tế, khí thu được để đun nấu thay thế việc mua gas, nếu một hộ xây công trình biogas cỡ 10 m3 sẽ cho lượng khí đốt tương đương 1,5-2 bình gas 13kg, đủ để hộ xây dựng công trình khí sinh học đun nấu cho sinh hoạt hàng ngày và có thể chạy bình nóng lạnh gas, thắp sáng hoặc chạy máy nổ…sẽ giảm chi cho hộ tối thiểu khoảng 300.000 đồng/tháng. Nếu các hộ gia đình chưa xây dựng các công trình phụ thì quy hoạch khu chăn nuôi gần khu vệ sinh của người để tập trung nguồn phân vào cùng với bể nạp phân gia súc sẽ tiết kiệm được tiền xây dựng bể tự hoại.
Về môi trường: Phân gia súc, gia cầm được tập trung vào bể nạp rồi chuyển sang bể phân giải đã giảm được mùi hôi thối trong chăn nuôi, trứng giun, sán, mầm bệnh (trường hợp gia súc, gia cầm bị bệnh thì mầm bệnh được tập trung vào bể nạp và bị tiêu diệt ở đây không bị phát tán ra xung quanh). Việc có gas đun nấu sẽ thay thế dùng củi đồng nghĩa với việc hạn chế phá rừng lấy củi.
Trong nông nghiệp, khi phân gia súc, gia cầm nạp vào bể nạp, một phần chuyển hóa thành khí đốt, phần còn lại là nước và bã thải dùng để bón cho cây trồng sẽ làm tăng năng suất cây trồng, hạn chế sâu bệnh hại cây và nâng cao độ phì của đất.