“Bức tranh” kinh tế trang trại và kinh tế VAC ở Quảng Ngãi

Những năm qua, nhờ nhiều chính sách “kích cầu”, kinh tế trang trại ở Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Để thúc đẩy kinh tế trang trại (KTTT) và kinh tế VAC phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp cụ thể như ban hành chính sách phát triển kinh tế trang trại; hướng dẫn lập đề án; xây dựng nhiều mô hình khuyến nông; phát động phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi… Nhờ đó, phát triển kinh tế VAC đã trở thành phong trào rộng khắp ở Quảng Ngãi. Quan trọng hơn, bà con đã nhận thức được việc phát triển VAC mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Tính đến cuối năm 2006, hơn 45% diện tích vườn tạp của tỉnh đã được cải tạo. Các huyện có phong trào cải tạo vườn tiêu biểu là Nghĩa Hành (trên 85%), thu nhập từ VAC chiếm hơn 60% thu nhập của hộ gia đình; Sơn Tịnh cải tạo trên 75% diện tích; Bình Sơn đạt 55%; các huyện còn lại đạt 20-25%.

Năm 2006 toàn tỉnh có 65.467 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi (chiếm 28% tổng số hộ) và trên 50% số hộ có thu nhập khá từ VAC. Mô hình VACR kết hợp của ông Hồ Chí Lê ở xã Trà Thuỷ (huyện Trà Bồng), hàng năm cho thu nhập trên 60 triệu đồng; mô hình trồng rừng kết hợp chăn nuôi bò, dê của ông Trần Văn Hoà ở thôn Tú Sơn 2, xã Đức Lân (huyện Mộ Đức) thu nhập 160 triệu đồng/năm…

Với hơn 400 trang trại, KTTT ở Quảng Ngãi cũng phát triển đa dạng, phong phú với hơn 100 trang trại trồng trọt, 96 trang trại chăn nuôi, 93 trang trại tổng hợp, 76 trang trại thuỷ sản.

Đến cuối năm 2006, đã cấp giấy chứng nhận cho 275 trang trại, đạt 65%. Hiện, bình quân mỗi trang trại có 4,1ha đất sản xuất; 68,13 triệu đồng vốn, 3 lao động; thu nhập đạt 46 triệu đồng/năm.

Những năm qua, các trang trại đã khai hoang gần 1.600ha đất. KTTT đã tạo ra khối lượng nông sản lớn, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Bên cạnh đó, nhờ có KTTT, tiến bộ kỹ thuật được ứng dụng vào sản xuất. Nhiều chủ trang trại đã mua sắm được trang thiết bị máy móc, từng bước cơ giới hóa quá trình sản xuất nên năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao.

Mặc dù còn những hạn chế nhất định, nhưng với những kết quả đáng mừng đó, KTTT, kinh tế VAC vẫn khẳng định được vai trò quan trọng đối với mục tiêu phát triển chung của Quảng Ngãi.

Ông Trương Ngọc Nhi, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong những năm tới, tỉnh sẽ tập trung một số giải pháp để phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hình thành các vùng sản xuất, chăn nuôi chuyên canh. Đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các hộ dân. Ngoài ra, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí sự nghiệp để hỗ trợ cho việc xây dựng các mô hình, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.