Từ những cánh rừng thưa thớt, thậm chí có những chỗ trọc lốc do phá rừng, giờ đây, Tuyên Quang được biết tới như một bức tranh xanh bạt ngàn cây rừng. “Kinh doanh dựa vào rừng” (bà con trồng rừng và khai thác thu lời), một trong những cách làm của Dự án Ridp ở Tuyên Quang trong mấy năm qua đã đem lại hiệu quả rất rõ nét: vừa khuyến khích bà con các dân tộc tham gia trồng rừng cải thiện đời sống, vừa giữ được rừng luôn xanh.
Cái lý của việc kinh doanh rừng
Xuân Vân đang vào mùa khai thác, trên những bìa rừng, nhiều nông dân đang đốn những cây tre mai già, những chiếc xe công nông chở đầy tre về các cơ sở sản xuất… trên khắp lối đi.
Anh Hoàng Đông Bắc – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm xã Xuân Vân (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) – vui vẻ nói: “Tất bật lắm. Người Xuân Vân bây giờ nhiều việc, nhiều tiền hơn trước rồi. Chúng tôi cũng nhàn hơn”. Để chứng minh cho điều đó, anh Bắc cùng với các cán bộ kiểm lâm đưa các phóng viên đi thăm những vườn rừng.
Đến gia đình anh Triệu Hồng Anh và chị Lương Thị Huệ (dân tộc Tày) ở xóm Đô Thượng 6, đúng vào lúc họ đang lên đồi khai thác tre mai. Hạ thân cây tre to và cao xuống, anh Hồng Anh tươi cười: “Mỗi năm măng mọc 4 lứa, 3 tuổi thì đủ già để thu hoạch. Bởi vậy, lúc nào cũng có tre xanh”. Ngoài công việc chính là ruộng nương thì mỗi năm, chỉ riêng khai thác lá tre (tháng 4 đến tháng 9) và thân tre (tháng 9 đến tháng 4) họ cũng thu nhập vài chục triệu đồng. Với đồng bào dân tộc ở các xã miền núi thì đó là mức thu nhập đáng kể.
Tuy nhiên, gia đình anh cũng mới chỉ là hộ có diện tích nhỏ trồng tre mai (1,5ha) so với nhiều gia đình khác trong xã (trung bình 3ha), thậm chí là hàng chục hécta cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm như hộ ông Hoàng Công ở thôn Đô Thượng 1 (gần 10ha)…
Khai thác tre mai. |
Là xã miền núi cách thị xã Tuyên Quang khoảng 40km, Xuân Vân có 2 dân tộc sinh sống là người Kinh và người Tày, nơi được xem là mảnh đất tốt nhất trồng tre mai ở Tuyên Quang từ lâu nay, mà tre mai thì chỉ có ở Tuyên Quang và Yên Bái. Với đặc tính nhanh lớn, thân to, tre mai phù hợp cho việc sản xuất đũa ăn một lần và lá lớn rất thơm (sấy khô để gói bánh Gú – một loại bánh truyền thống của Trung Quốc).
Trước đây bà con Xuân Vân cũng như mộ số địa phương khác ở Tuyên Quang đã trồng tre mai để cung cấp cho các doanh nghiệp làm giấy. Tuy nhiên, giá thành rất thấp nên việc trồng và khai thác không theo bài bản, ảnh hưởng xấu tới rừng. Có những nơi rừng bị trọi trơ vì khai thác tràn lan, trong khi tre non không kịp mọc. Đời sống bà con, ngoài công việc ruộng nương thì thu nhập từ cây tre mai cũng chẳng đáng là bao, do vậy việc phá rừng là điều dễ hiểu. Đây cũng là tình trạng chung ở Tuyên Quang và các tỉnh có rừng. Vậy làm gì để những cánh rừng ở Tuyên Quang mướt xanh? Làm gì để đời sống bà con có đời sống tốt hơn?
Vài năm trước, Dự án Ridp có tên chính thức là Dự án Đa dạng hoá thu nhập nông thôn ra đời, trong đó có phương thức “Kinh doanh dựa vào rừng”. Ridp sử dụng nguồn vốn của Quỹ Phát triển nông nghiệp Liên Hợp Quốc (ISAD) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với mục tiêu là nâng cao vị thế kinh tế xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo ở vùng cao thông qua việc nâng cao năng lực, tăng cường đa dạng hoá các cơ hội tạo ra thu nhập, khuyến khích sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nhóm đối tượng chính của dự án là các hộ gia đình và người dân ở 66 xã nghèo nhất thuộc 5 huyện của tỉnh Tuyên Quang.
Để làm được điều đó, Kiểm lâm Tuyên Quang đã vào cuộc. Nếu như trước đây, những cánh rừng của Tuyên Quang bị “đóng cửa” (chính quyền chỉ lo việc bảo vệ và trồng rừng) nên cây mai và nhiều loại cây khác khi già cỗi tự chết đi chứ đồng bào không được hưởng lợi gì từ nó. “Chúng tôi xác định phải quyết tâm cải thiện được đời sống của bà con từ chính những cánh rừng mà rừng thì vẫn luôn xanh”, ông Đỗ Văn Toán – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang – khẳng định.
Bà đỡ của nông dân
Và đúng như tinh thần của dự án, một trong những cách nâng cao thu nhập của bà con là trồng tre mai để sản xuất đũa và lấy lá ở các huyện như Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hoá đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Sau khi được giao đất lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và học tập kiến thức kinh doanh dựa vào rừng cho bà con và lo đầu ra.
Công ty Chế biến nông lâm sản xuất khẩu Ngọc Long – một doanh nghiệp có uy tín lâu năm trong lĩnh vực sản xuất đũa tre xuất khẩu – đã được lựa chọn để bao tiêu sản phẩm. Cùng với việc mở nhiều xưởng sản xuất tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, Công ty còn giao máy móc (bán trả góp) cho nhiều hộ gia đình tự đứng ra sản xuất đũa thô rồi bán lại cho Ngọc Long. Chỉ tính riêng tại một xưởng sản xuất nhỏ của Ngọc Long ở Xuân Vân, cũng có tới vài chục công nhân tham gia lao động như khuân vác tre, đứng máy chẻ đũa, cưa tre, đứng lò sấy, đánh bóng…
Nguyễn Thu Thuỷ – 23 tuổi (xóm Xuân Giang) – là một trong 6 thành viên trong một gia đình làm việc cho xưởng: “Trước đây, gia đình em chỉ trông chờ vào ruộng nương thôi. Nay, cả nhà em tham gia lao động ở đây nên kinh tế khá lên nhiều anh ạ”. Ngoài ra, Ngọc Long còn đặt 24 máy dũa, 12 máy cưa, 4 máy đánh bóng, 6 lò sấy ở nhiều nơi trong huyện, thu hút hàng nghìn lao động. Vừa trồng tre mai bán, vừa tham gia lao động ở các cơ sở sản xuất của Ngọc Long hoặc tự đứng ra sản xuất đũa thô bán cho Ngọc Long, người dân ở nhiều xã trong tỉnh đã có cuộc sống tốt hơn.
“Tôi luôn tâm niệm, dù mình là doanh nghiệp nhưng cái gì có lợi cho dân nhất thì mình làm. Tôi cố gắng tăng giá thành tre mai thô và mức lương lao động lên mức cao nhất để cải thiện tốt hơn nữa đời sống cho bà con…”, ông Bùi Ngọc Khôi – Giám đốc Công ty – nói. Trung bình mỗi năm Tuyên Quang xuất đi khoảng 3000 tấn đũa/năm với giá 2.100.000đ/tấn. Ngoài ra, cứ một tấn đũa, bà con lại có 3 tấn phế liệu để bán cho nhà máy giấy Tuyên Quang với giá 260.000đ/tấn.
Ngoài sản xuất đũa, Chi cục Kiểm lâm cũng đã mở các lớp tập huấn và hỗ trợ triển khai mô hình nuôi ong mật, trồng chè dây cho bà con ở một số xã thuộc các huyện Chiêm Hoá, Sơn Dương và đạt hiệu quả tốt, sản phẩm được tiêu thụ hết tại địa phương. Không chỉ cầm tay chỉ việc, kiểm lâm còn trang bị cho người dân những kiến thức kinh doanh dựa vào rừng mà không làm ảnh hưởng đến phát triển của rừng như những mô hình trên.
Xã hội hoá phát triển rừng
Gần đây, tại Diễn đàn đối tác lâm nghiệp được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề: “Tăng cường xã hội hoá lâm nghiệp”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định việc “khuyến khích tư nhân đầu tư rừng sản xuất”. Đây có thể nói là một quan điểm rất phù hợp với thực tế vừa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sống ở các vùng lâm nghiệp vừa là cách để bảo vệ rừng tốt nhất.
Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cũng khẳng định: “Nếu như trước kia chúng ta đóng cửa rừng để bảo vệ rừng thì nay cần xã hội hoá để phát triển rừng”. Xã hội hoá nghề rừng được coi là phương thức để đạt được mục tiêu tạo thêm 2 triệu việc làm mới trong lâm nghiệp; tăng thu nhập, góp phần xoá đói giảm nghèo 70% số hộ trong các vùng lâm nghiệp trọng điểm từ nay đến năm 2020.
Từ cách làm trên của Tuyên Quang, có thể thấy, khi nông dân được giao đất lâm nghiệp để kinh doanh thì chẳng những rừng luôn xanh mà đời sống của họ cũng được nâng cao, mà điều đó thì đồng nghĩa với việc không phá rừng. Tính bền vững của nó là ở chỗ đó.