ThienNhien.Net – Liên tục trong những năm gần đây các đàn voi hoang dã đã về phá làng và nhà cửa của người dân sống ở gần rừng một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận, Đắklắk, Gia Lai… Số lượng và số lần voi về làng ngày càng nhiều, càng nguy hiểm, thời gian lưu lại lâu hơn và phạm vi di chuyển cũng rộng hơn.
Nhiều câu hỏi tại sao đàn voi lại trở nên như vậy và cũng đã có khá nhiều lời giải thích được đưa ra. Ở góc độ cá nhân tôi cho rằng, những đàn voi đó không về phá làng mạc nhà cửa của người dân mà những đàn voi đó đang di chuyển trong vùng sinh thái, chính trong nơi cư trú của chúng đã được hình thành từ hàng trăm năm trước. Phải chăng chính con người mới chính là người phá hoại, chiếm không gian sống và thu hẹp vùng di chuyển của các loài động vật hoang dã, trong đó có loài voi. Đàn voi di chuyển đến những nơi ngày xưa là rừng và ngày nay được thay thế bằng những căn nhà, ruộng vườn của người dân. Đây thực chất là sự xung đột không gian sống giữa con người và loài voi. Mà trong cuộc xung đột này, con người luôn chiến thắng.
Theo thống kê của WB, năm 1943 diện tích rừng của nước ta khoảng 22 triệu ha, chiếm trên 60% diện tích lãnh thổ. Và theo một tài liệu điều tra khác của Pháp và nước ta thì diện tích rừng trước năm 1943 là khoảng 14 triệu ha chiếm 43% diện tích lãnh thổ. Với tỉ lệ diện tích đó, những nơi voi về hoành hành trước kia chính là rừng rậm hoặc là vùng bìa rừng (ví dụ ở Hương Khê – Hà Tĩnh, Tiên Phước – Quảng Nam, Tánh Linh – Bình Thuận..). Tình trạng phá rừng của con người đã làm thu hẹp không gian sống, làm mất nhiều loại thức ăn, làm ảnh hưởng tới vùng sinh thái tự nhiên. Do đó, việc voi về làng phá làng, phá nhà cửa là điều không thể tránh khỏi trong thời gian tới. Chúng ta không nên quy hết trách nhiệm cho động vật, mà nên xem nhìn lại chính bản thân chúng ta – những con người.