Theo tính toán của các chuyên gia về môi trường, đến năm 2010, lượng chất thải rắn của Việt Nam sẽ tăng từ 24% đến 30% tương đương 45 triệu tấn rác/năm.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Chất thải ra không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Theo báo cáo diễn biến môi trường Việt Nam về chất thải rắn, tổng lượng chất thải phát sinh từ các cơ sở công nghiệp mỗi năm khoảng 2,6 triệu tấn, trong đó chất thải công nghiệp nguy hại vào khoảng 130.000 tấn/năm.
Phần lớn chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh từ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chiếm khoảng 64% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh của cả nước. Tiếp theo là các tỉnh miền Bắc với lượng chất thải nguy hại phát sinh chiếm 31%.
Ngoài nguồn chất thải từ các cơ sở công nghiệp, chất thải rắn từ các bệnh viện cũng là một nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay cả nước có khoảng hơn 12.500 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có khoảng 850 cơ sở là các bệnh viện với quy mô khác nhau, và việc quản lý chất thải rắn y tế rất khó khăn.
Năm 2001, Bộ Y tế đã tiến hành khảo sát tại 280 bệnh viện đại diện cho tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước về vấn đề quản lý và xử lý chất thải rắn y tế. Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy lượng chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh ước tính khoảng 34 tấn/ngày.
Tuy nhiên, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn y tế theo từng tuyến, loại bệnh viện, cơ sở y tế rất khác nhau. Có tới hơn 70% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tập trung ở các đô thị, 35% lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh./.