Thú lớn giảm do bàn tay con người

Theo một nghiên cứu mới nhất cho biết, khoảng 80% bề mặt trái đất đã trải qua sự suy thoái đột ngột số lượng loài thú lớn do hậu quả các hoạt động của con người.

Bằng việc kiểm tra số liệu có từ năm 1500, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm thấy ít nhất 35% các loài thú lớn (nặng hơn 20 kg) đã bị thu hẹp phạm vi sống xuống hơn một nửa.

Nghiên cứu của nhóm khoa học tại Đại học Princeton và nhóm bảo tồn hợp tác giữa WWF và Mỹ. Nó được mô tả là “phép đo đầu tiên những ảnh hưởng của con người lên đa dạng sinh học, dựa trên sự mất đi của các loài thú bản địa cỡ lớn”.

“Có lẽ kết quả ấn tượng nhất trong nghiên cứu là 109 khu vực vẫn còn giữ được số lượng loài thú lớn như ở thời điểm năm 1500 thì hoặc là các khu bảo tồn nghiêm ngặt cỡ nhỏ, hoặc là những địa điểm ở rất xa xôi”, trưởng nhóm nghiên cứu John Morrison cho biết. “Những khu vực quá xa xôi đó có thể quá nóng, quá lạnh, quá khô hoặc quá ẩm ướt hay đầm lầy để có thể hỗ trợ cho những hoạt động của con người”.

Trong nghiên cứu, người ta đã so sánh phạm vi phân bố của 263 loài thú đất liền lớn nhất thế giới với sự phân bố của chúng 500 năm trước. Những loài bị mất mát nhiều nhất là hổ, báo, sư tử, bò rừng bizon Mỹ, nai sừng tấm và chó sói.

Về mặt địa lý, Australia bảo tồn tốt nhất, còn giữ lại đến 68% các loài thú lớn. Đứng cuối bảng là Đông Nam Á, chỉ giữ lại được 1% hệ động vật khổng lồ từng cư ngụ ở vùng này vào năm 1500.

Các nhà khoa học cũng giải thích vì sao số lượng loài thú lớn lại quan trọng đối với một hệ sinh thái: đó là vì những động vật ăn thịt cỡ lớn sẽ điều khiển quy mô, sự phân bố và hành vi con mồi của chúng.