Thế kỷ qua đã diễn ra ba quá trình chuyển đổi kinh tế to lớn. Sau cuộc cách mạng công nghiệp là cuộc cách mạng công nghệ và cuối cùng là giai đoạn toàn cầu hóa hiện đại mà chúng ta đang trải qua. Giờ đây chúng ta đang đứng trước ngưỡng của một cuộc cách mạng mới đó là kỷ nguyên của nền kinh tế xanh.
Chúng ta đã đọc và khoa học cũng đã nói với chúng ta: Sự thật là trái đất đang nóng lên ở khắp mọi nơi và con người là một trong những tác nhân chính gây nên tình trạng đó.
Chúng ta cũng đã nghe về những lời cảnh báo: Nếu ngay bây giờ chúng ta không ra tay hành động, thì chúng ta phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng.
Băng tan có thể diễn ra ở Bắc cực. Mặt nước biển có thể dâng cao. Một phần ba các loại động, thực vật có khả năng bị biến mất. Thế giới, đặc biệt châu Phi và vùng Trung Á có khả năng bị nạn đói đe dọa. Những thông tin tốt lành thường bị lắng xuống trong các cuộc thảo luận, tranh cãi sôi nổi: chúng ta có thể làm một số việc – những việc làm này thường dễ thực hiện và cũng không tốn kém lắm như phần lớn chúng ta thường nghĩ.
Ngày 10/11 vừa qua tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã có mặt tại vùng hồ băng hà Grey ở Chile. |
Những điều trên là đánh giá trong báo cáo gần đây nhất của nhóm chuyên gia thuộc nhiều nước về biến đổi khí hậu, chính tập thể các nhà khoa học này mới đây đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình.
Bản báo cáo này tuy rất đáng lo ngại nhưng mặt khác người ta cần nhận thấy, suy cho cùng thì kết luận của báo cáo vẫn toát lên sự lạc quan. Xin nhắc lại kết luận của bản báo cáo đó: chúng ta có thể khắc phục được, và chúng ta có thể khắc phục theo cách không những không quá tốt kém mà còn góp phần nâng cao sự phồn vinh.
Trong tuần từ 03/12 đến 15/12/2007, các chính khách hàng đầu thế giới đã có cuộc gặp gỡ tại Bali. Chúng ta nhất định phải đạt được một sự đột phá: có một sự thoả thuận toàn diện về biến đổi khí hậu với sự tham gia của mọi quốc gia. Chúng ta cần phải đặt ra một chương trình, phải có một kế hoạch nhiều bước cho con đường tiến đến một tương lai tốt đẹp hơn, từ nay đến năm 2009 cần phải đạt được một sự nhất trí về chương trình này.
Câu trả lời nằm trong sự đa dạng của các giải pháp
Chúng ta chưa biết loại thoả thuận này sẽ có hình hài như thế nào. Sẽ đánh thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính hay sẽ tạo nên một hệ thống thương mại quốc tế về khí thải? Phải chăng cần xây dựng các cơ chế để ngăn cản việc chặt phá rừng, điều này là nguyên nhân gây 20% lượng khí thải CO2, hay cần có sự hỗ trợ đối với những nước đang phát triển yếu kém trong việc thích nghi với những biến đổi không thể tránh khi trái đất nóng lên và những nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề nhất? Cần phải tiết kiệm năng lượng và đặc biệt chú trọng đến nhiên liệu tái sinh như sinh khối hay năng lượng hạt nhân và có cần điều chỉnh sự chuyển giao công nghệ “xanh” mới đối với tất cả các nước.
Tất nhiên câu trả lời lại phụ thuộc vào sự đa dạng của các giải pháp đã nêu ở trên hoặc của nhiều giải pháp khác nữa. Nhưng một khi cuộc thương lượng về các vấn đề này sa vào tình trạng bế tắc thì chúng ta sẽ bị mất cái quý giá nhất, đó là thời gian. Sự việc sẽ có lợi hơn, nếu chúng ta suy nghĩ tương lai sẽ ra sao, một khi cuộc thương lượng của chúng ta sớm đi đến thành công. Thế giới sẽ không những sạch sẽ hơn, lành mạnh hơn mà còn an toàn hơn đối với tất cả chúng ta.
Nếu chúng ta tiến hành một cuộc đấu tranh đúng đắn chống lại sự nóng lên trên toàn cầu, chúng ta có thể chuẩn bị đặt nền tảng cho một sự chuyển hóa nền kinh tế thế giới theo hướng thân thiện với môi trường hơn, điều đó kích thích tăng trưởng và phát triển chứ không gây cản trở, ách tắc như nhiều chính khách thường lo lắng.
Trung Quốc – một quốc gia đi đầu về năng lượng mặt trời và năng lượng gió
Những dấu hiệu về sự thay đổi đang diễn ra ở khắp mọi nơi và thường ở những địa điểm bất ngờ. Mới đây tôi viếng thăm Nam Mỹ và đã chứng kiến tận mắt Brazil đang trở thành một đất nước trọng yếu của nền kinh tế xanh. Hiện nay Brazil thỏa mãn 44% nhu cầu năng lượng của mình bằng nguồn năng lượng tái sinh. Trong khi đó bình quân của thế giới là 13% và bình quân của châu Âu là 6,1 %.
Cả thế giới đều cho rằng tới đây Trung Quốc sẽ vượt Mỹ và sẽ trở thành nước tạo nên nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhất thế giới. Ít ai biết rằng gần đây Trung Quốc (TQ) có những nỗ lực to lớn để sử lý vấn đề ô nhiễm nặng nề ở nước này.
Trong năm nay TQ đầu tư 10 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng tái sinh và điều đó có nghĩa là TQ chỉ đứng sau nước Đức. TQ đã trở thành một trong những quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Tại cuộc gặp Thượng đỉnh các nước Đông Á ở Singapore, Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo đã nói: TQ sẽ giảm tiêu thụ năng lượng 20% trong vòng năm năm tới (tính theo đơn vị trên BIP) – điều này cũng không thua kém cam kết của Châu Âu đến năm 2020 giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là 20%.
Đó chính là con đường dẫn đến tương lai. Theo ước đoán thì nhu cầu năng lượng trong vòng 15 năm tới thông qua sử dụng các công nghệ hiện có, có thể giảm một nửa hoặc trên một nửa trong khi lợi suất đầu tư đạt 10% hoặc cao hơn.
Báo cáo mới đây của nhóm chuyên gia về khí hậu có đề cập đến các biện pháp áp dụng trong thực tiễn như cần có các chỉ tiêu chặt chẽ đối với máy điều hòa không khí hoặc tủ lạnh và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, trong nhà ở và trong giao thông.
Theo báo cáo thì trong vòng ba mươi năm tới có thể khắc phục được tác động của thay đổi khí hậu nếu hằng năm sử dụng 0,1 % BIP toàn cầu cho vấn đề này.
Giờ là lúc phải có các chính sách
Sự tăng trưởng sẽ không bị giảm sút; ngược lại tăng trưởng có thể được thúc đẩy nhanh hơn. Các nhà nghiên cứu đại học California ở Berkeley đi đến kết luận, nước Mỹ sẽ tạo được thêm 300.000 việc làm, nếu 20% nhu cầu về năng lượng của Mỹ được đáp ứng bằng năng lượng tái sinh.
Một hãng tư vấn hàng đầu của Đức ở Muenchen dự báo đến cuối những năm hai mươi này số lao động ở Đức làm việc trong ngành công nghệ môi trường sẽ đông hơn so với lực lượng lao động trong ngành công nghiệp sản xuất xe ô tô. Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc dự tính đến năm 2020 đầu tư của toàn thế giới trong lĩnh vực năng lượng không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên tới 1,9 nghìn tỷ USD. Đây là vốn khởi điểm đối với một cấu hình mới toàn diện của nền công nghiệp toàn cầu.
Hiện nay nhiều doanh nghiệp ở các nước đã lên tiếng yêu cầu nhà nước phải có chính sách rõ ràng đối với biến đổi khí hậu, có thể ở dạng các quy định, hạn chế khí thải hay các định hướng về sử dụng hiệu quả năng lượng. Lý do của các đòi hỏi này thật dễ hiểu, các doanh nghiệp cần có quy định về luật chơi cho hoạt động của mình. Liên hiệp quốc có thể có vai trò hỗ trợ trong vấn đề này.
Nhiệm vụ của chúng ta ở Bali và sau này là tham gia xây dựng quá trình chuyển đổi đang hình thành trên toàn cầu và mở rộng cánh cửa đối với kỷ nguyên kinh tế xanh và phát triển xanh. Điều còn thiếu là một khuôn khổ toàn cầu để chúng ta, các dân tộc trên thế giới, phối hợp các nỗ lực của mình trong cuộc đấu tranh chung chống lại sự biến đổi khí hậu trong cái khuôn khổ đó. Khoa học đã hoàn thành công việc của mình. Giờ đến lượt các chính khách. Khả năng lãnh đạo của các chính phủ được thử thách ở Bali. Vậy chúng ta còn chờ đợi điều gì nữa đây?