Giấc mơ từ… bãi rác

Ali Akbar và gia đình của anh sống trong khu bãi rác ở Dhaka, Bangladesh. Nghề của họ là tái chế pin đã qua sử dụng. Một cuộc sống kinh khủng trong con mắt của nhiều người. Nhưng, ai coi những người nhà Akbars như tầng lớp khốn cùng của xã hội thì người ấy đã lầm: họ theo đuổi một nghiệp, họ coi thường những điều kiện sống ghê tởm nhất và vẫn cố gắng cho con cái đến trường học.

Những đứa trẻ nhớ như in cái ngày hôm người ta ra lệnh cho gia đình phải rời khỏi khu bãi rác này. Bọn trẻ con nghe thấy thông báo đó đầu tiên khi chúng đang thả diều nilon bên bờ sông thì mấy ông công chức đạp xe đến, thông báo qua cái loa buộc ở ghi-đông: “Khu vực này là khu vực sinh sống bất hợp pháp. Chính quyền yêu cầu các vị di dời nhà cửa trong ngày thứ ba tới”.

Popy, Palash và những đứa khác băng qua những ngọn núi rác chạy về báo với các bà mẹ đang ngồi cạy pin giữa các căn lều. Tin tức được truyền đi ngay. Khi Ali Akbak, ông chủ gia đình từ chợ trở về, các bà phụ nữ đã gom tất cả những thứ cần thiết nhất của một gia đình nghèo vào trong những túi nilon. Quan trọng nhất đương nhiên là quần áo và chăn chiếu.

Sống trên rác

“Chính quyền bảo là họ muốn làm sạch thành phố”, Farida, một người phụ nữ 37 tuổi, ưa nhìn, khỏe mạnh, với một mái tóc nhớp dầu, thông báo. Tại sao chúng ta lại không được sống ở nơi mà những người khác coi là bãi rác, chị tự hỏi. Riêng trong pin thải thôi đã có bao nhiêu thứ có thể lấy được: kẽm, than, chì và nhựa. Chỉ việc cậy cục pin ra, phân chia các thành phần, và bán.

Thế nhưng, bây giờ thì chính phủ muốn giải tỏa. Trên phố bờ sông, máy ủi đã san phẳng hết các dãy nhà, sắp đến lượt “Kalighar” – tên mà dân trong quận đặt cho địa bàn của những người cạy pin. Kalighar nghĩa là “ngôi nhà đen”. Ngôi nhà khổng lồ này lấn ra sông phải đến 20, 30 mét. Phía dưới là bãi rác, phần trên bãi rác là các tạp chất thải ra từ pin, thứ rác này làm cho “núi” ngày một cao thêm. Phía trên đỉnh núi là một pháo đài tròn: chín cái lều dựng từ tre và chì.

Một cuộc sống trên rác. Nhưng cũng như mọi ngọn núi khác, ngọn núi này cũng là một biểu tượng của quyền lực và sức mạnh. Ai đủ sức làm ăn trên đỉnh của nó cũng đã là một người thành đạt trong vô vàn những người bất hạnh nơi đây.

Bangladesh không phải là một nơi sung túc, thế nên ở đây cũng không có gì là thừa thãi cả. Bên bờ sông Buriganda giữa lòng Dhaka lại càng không. Dhaka xứng đáng là một trong ba kinh đô khốn khổ của thế giới: chín, cũng có thể là mười triệu người ở đây sống trong những khu ổ chuột, sánh ngang với Bombay và Mexico City.

Nước sông Buriganda – “Lối xưa” – là một thứ “nước súp nấu” từ các chất thải hóa học từ các nhà máy, các chất thải sinh học từ con người và động vật cùng vô vàn các loại chất bẩn khác. Hàng ngàn tấn rác được thải ra mỗi ngày, nhưng chưa đến một nửa trong số này được vận chuyển ra ngoài thành phố. Số còn lại mủn rữa bên lề đường, trong các con kênh và trên các bãi cỏ.

 bairac1

Phân chia rác: Tất cả mọi thứ đều thành tiền được: nhựa, than, chì, kẽm.. 

Sáng sáng, những đoàn phụ nữ, trẻ em lại túa đi thu gom tất cả những thứ gì còn sử dụng được. Sau đó, họ đem những chiến lợi phẩm này đi “rửa”. Các bóng đèn bị đập vỡ, túi nilon polyetylen được nấu chảy thành các viên nhựa, những thứ nào không dùng được thì xúc đổ xuống sông, nơi bảo lưu một thứ mùi trường tồn vĩnh cửu.

Rác là tài sản chung

Ở đây, những thanh than lấy từ pin được sử dụng lại làm chất đốt, giá giao là 20 taka (khoảng 4.000 đồng tiền VN) một cân. Giá vỏ chì cũng tầm như vậy, người ta mua lại để làm thành ống. Còn lại kẽm giá trị cao hơn, Ali sẽ tự nấu chảy. Một tháng như vậy thu nhập vào khoảng 1,2 triệu đồng VN. Đủ cho Farida nấu ăn ngày hai bữa: sáng sáng cơm với rau, trưa trưa cơm với dal, một loại hạt đậu có màu vàng thẫm, kèm theo một khúc cá. Tối Farida không nấu, vì khi đó cô đã kiệt sức.

Dành dụm tiền ư? Không thể. Ali và Farida không cất đi được đồng nào cả. Và Farida thì vẫn phải ngồi cạy pin cho đến thứ ba, khi xe ủi tới. Sáng thứ hai, trước khi mặt trời lên, Ali lại lên đường đi săn pin. “Chúng tôi là diều hâu, chuyên sống bằng xác thú”, anh nói. “Ai muốn có cái ăn thì phải chịu khó đi sớm”.

Anh chạy đến chợ rác. 8 giờ, khi chợ mở, anh mua 7 bao tải ních đầy pin. Bảy bao, có nghĩa là đủ ăn cho một tuần. Từ 20 năm nay, sáng nào anh cũng đi đến chợ rác, nhưng thường là vô ích. Hôm nay thì anh được ngắm những chiếc xe thồ chở nửa tấn pin về “ngôi nhà đen” của anh.

Farida phát hiện ra một người lạ dưới chân núi rác, thêm một con người bất hạnh bỏ thôn quê lên thành phố. Người lạ ấy ăn cắp một thứ đầu thừa đuôi thẹo trong đống rác bùn nhầy nhụa ấy: những miếng nhựa bọc đầu pin – rác của rác. Tiếng la hét của đám đàn bà con gái cảnh báo Ali không làm người lạ mặt quan tâm. Anh cũng biết, “moila”- rác – là tài sản chung, ai cũng có quyền thu nhặt.

Sau đó Ali và Farida có bàn bạc với nhau xem có nên thuê thêm một người phụ nữ để đi gom các miếng nhựa ấy không. “Chẳng ăn thua gì đâu” – Farida nghĩ. Cô đã “mổ” pin ở đây từ 28 năm nay, 1.000 cục một ngày, sáu ngày một tuần. Cha cô mất năm cô mới lên 7. Ông vốn là một lái buôn gạo trong một khu giàu có của thành phố. Nhưng khi mất đi ông không để lại được gì: vợ con ông phải chuyển nhà vào trong khu ổ chuột, và làm việc trong công xưởng “mổ xác” này.

Nguy cơ mất trắng

Farida hồi đấy phải lòng người cháu trai của ông chủ bãi: Ali Akbar. Đó là một đám cưới vì tình yêu, một câu chuyện mà những người ở đây, đa số kết hôn do sắp đặt, còn lưu truyền mãi. Một năm sau Farida sinh đứa con đầu lòng.

Mới 14 tuổi cô đã vừa làm công nhân, vừa làm thương nhân, vừa làm mẹ. Em gái và em trai cô sau đó cũng chuyển lên “núi” ở. Hiện giờ, hai vợ chồng sống cùng với khoảng 20 người họ hàng ở đây. Phụ nữ thì “mổ” pin, đàn ông lo nhập và tiêu thụ hàng. Giờ đây tất cả những gì họ gây dựng được đang có nguy cơ mất trắng.

 br2

Mỗi ngày qua đi, núi rác nhà Ali lại cao thêm. Càng cao càng tốt, bởi vào mùa lũ, nước sông sẽ dâng lên ngập hết bãi.

Ngay cả Yussuf, đại ca của cả khu ổ chuột, cũng phải thừa nhận là ông ta không thể làm gì để thay đổi được kế hoạch của chính phủ. Lão tự cho vùng đất bờ sông, vốn là đất công, là của riêng lão. Một phần ba thu nhập của dân ở đây phải nộp cho Yussuf, coi như tiền thuê đất.

Hôm nay là ngày nung kẽm. Ali Akbar cầm cái muôi sắt khuấy đều thứ chất lỏng đặc quánh cho tới khi trên bề mặt xuất hiện một lớp mỏng màu bạc phập phùng bong bóng. Ali rót kẽm vào khuôn, vợ anh cũng gắng làm theo. Thiếu chút nữa chị bị trầy da khi lớp cặn ở đáy chảo bắn ra những hạt kim loại nhỏ li ti. Bên trong nhà có tiếng ho của bọn trẻ.

Chúng đang ngồi trên một tấm ván chiếm hai phần ba diện tích ngôi nhà và kiêm đủ mọi chức năng: giường, bàn ăn, nơi hội họp. Phía bên dưới là sàn nhà bằng tro được đầm chặt. Ngoài ra còn có tivi, quạt trần, mắc treo quần áo. Bốn bức tường dán đầy báo cũ, vừa làm nhiệm vụ trang trí, vừa giữ cho ngôi nhà được kín đáo. Thứ giá trị nhất mà gia đình sở hữu nằm dưới gầm giường: bốn tảng kẽm tái sinh, mỗi tảng nặng 20kg, giá 2200 taka (khoảng 450.000 VNĐ), thành quả một tuần lao động. Ali Akbar sẽ đem chúng ra chợ bán.

Giấc mơ đổi đời

Chiều chiều, bọn trẻ lại tập trung trên phản để học bài. Thầy giáo của chúng là Jewel, con thứ hai của Farida. Cả nhà trông mong vào một cuộc đổi đời mà chàng trai 20 tuổi có thể mang lại, vì thế, bất chấp khoản học phí 5000 taka một năm, họ vẫn cho anh đi học đại học.

Jewel đang nghe các em đọc bài: “Bangladesh là đất nước của những con sông. Chúng ta được ưu ái, bởi vì chúng ta có đến sáu mùa”. Tất nhiên bọn trẻ cũng được đến trường. Nhưng trường có tới 1.800 học sinh, lại học chia ca, thành ra chúng chỉ được ngồi ở lớp 3 tiếng một ngày. Farida vẫn tin tưởng con trai lớn của mình hơn.

 br3

Mỗi tuần một lần, chiến lợi phẩm đáng giá nhất – kẽm – sẽ được nấu chảy. Đây là công việc của đàn ông.

Popy, Palash, Doly và các anh chị em khác được lớn lên ở đây trong điều kiện tốt nhất có thể lo được ở một bãi rác. Thỉnh thoảng, hàng xóm réo lên đằng sau các em là “ma”.

Nhưng Farida vẫn đảm bảo các con được rửa mặt sạch sẽ ba lần một ngày. Ngay bên cạnh hố xí là giếng nước, niềm tự hào của cả nhà. Nước sạch trong đó được lấy lên từ độ sâu 65 mét dưới lòng đất.

Đất nước sẽ phải “dọn dẹp” lại

Buổi tối gia đình Ali có khách. Ông ta đeo kính và bôi sáp trên đầu: đó là một “Sahib” – một ông trùm. Ông ta đứng giữa các bao tải đựng pin hỏng và chờ đợi ai đó mời ông ta ngồi. Cả nhà có duy nhất một chiếc ghế. Ông Sahib này là bạn. Để được coi như thế, Ali đã giúi vào tay ông một tờ 100 taka.

Là trưởng công an khu vực ông đồng tình với chuyện đó. Ali Akbar cũng đã tính các khoản đút lót như thế này vào chi phí phụ, cũng giống như tiền thuê đất, tiền gạo, tiền xà phòng vậy. “Ở Bangladesh, anh hối lộ ai cũng được, trừ bọn muỗi”.

Rất có thể là ông trưởng công an này bắt tay ngầm với Yussuf, tay trùm xã hội đen. Ali Akbar không thấu được cái mạng lưới quyền lực ngự trị nơi này. Hồi đầu năm nay, một bộ máy mới đã lên nắm quyền. Họ muốn “dọn dẹp” đất nước, họ cho bắt giữ các quan chức và doanh nhân tham nhũng. Cuối cùng cũng đến ngày này! Tất cả đều vui mừng, kể cả Ali.

Nhưng những người “mổ pin” trên ngọn núi rác này không mong đợi điều gì cả. Ngay cả khi chính phủ mới có làm được những điều tốt, thì họ cũng không được hưởng lợi gì. Sáng hôm sau, ngày giải tỏa. Mọi người chờ máy ủi đến.
Một sự tĩnh lặng đầy căng thẳng, những người phụ nữ vẫn gõ gõ đập đập như thường ngày, đám trẻ nhặt những vỏ bao thuốc lá làm thành máy ảnh chơi.

 br4
Tất cả các con của Farida đều được đi học, trai cũng như gái. Tiền hai người kiếm được đủ mua quần áo, sách vở cho bọn trẻ.

Nhưng tới 10 giờ mà đám xe ủi vẫn không tới. Ông sếp cảnh sát đã làm điều gì đó chăng? Hay là Yussuf? Hay là quân đội bận đi “dọn dẹp” ở nơi khác?

Bãi rác được “tạm tha”. Nhưng máy ủi có thể đến vào ngày mai, vào tuần sau, hoặc tuần sau nữa. Những người “mổ pin” để nguyên các bao quần áo không dỡ ra. Từ bây giờ, sự tồn tại của họ bị treo lơ lửng.

Cuối ngày, vẫn như bao ngày khác, vẫn là khói, vẫn là mồ hôi, vẫn là cái mùi quen thuộc, những người phụ nữ trên núi rác cởi bỏ tấm khăn trùm đầu ướt đẫm. Họ dồn từng đống nhựa, kim loại, than vào trong các bao tải. Đẩy rác qua một bên, đổ những thúng tre đựng đầy chất bẩn xuống lòng sông, lau chùi đồ nghề, quét dọn nền nhà bằng chổi rơm. Họ dọn dẹp mọi thứ cho sạch sẽ nhất có thể để chuẩn bị cho ngày mai, một ngày mới.