Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (TTNCBT& PTDLĐTM) là địa chỉ xanh khá hấp dẫn của ngành du lịch tỉnh Long An hiện nay. Đến với Trung tâm bạn sẽ gặp được bao điều kỳ thú tiềm ẩn dưới những tán rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn, nguồn nguyên liệu rất quý cho sức khỏe và cuộc sống.
Gần một giờ đồng hồ ngồi tàu lênh đênh trên dòng sông Vàm Cỏ Tây, chúng ta sẽ có cảm giác như lọt vào một thế giới khác, không gian tĩnh lặng, mát rượi với những tán tràm nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Vào mùa nước nổi, du khách đến đây sẽ thưởng thức trọn vẹn cái thú vui được len lỏi trong rừng tràm để ngắm hàng vạn con chim, cò, giang sen, sếu đầu đỏ bay rợp trời, chúng không chỉ đẹp mà con dạn dĩ và thân thiện với con người và được tận mắt nhìn và nghe giới thiệu cách lấy mật ong rừng, thứ đặc sản tuyệt vời của Đồng Tháp Mười.
Ấn tượng đầu tiên khi vừa đặt chân đến đây là không gian ngút ngàn, mùi thơm thoang thoảng dễ chịu của các loài thảo dược trồng quanh vườn. Vẫn là những thứ mộc mạc thường thấy trong sân vườn nhà mình như rau má, gừng, nghệ, sả, húng cây, diếp cá, nhưng ở đây tất cả đều đẻ ra tiền, mà là ngoại tệ chứ không phải vài ngàn đồng bạc lẻ như rổ rau của bà mẹ quê bán trong mỗi phiên chợ sáng.
Để những loại rau lá dân dã này sống được ở vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, ông “Ba đất phèn” Nguyễn Văn Bé- Giám đốc Trung tâm đã bỏ gần nửa đời người thầm lặng sưu tầm, tìm kiếm các nguồn gien thực vật đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đưa về Trung tâm để bảo tồn và phát triển, trong đó có nhiều nguồn gien quý hiếm như cây cửu lý hương, cây tùng thơm, trân châu thảo… Tất cả đều là nguồn nguyên liệu quý để chế biến, chiết xuất tinh dầu, dùng sản xuất thuốc phục vụ sức khỏe và cuộc sống con người. Trong tương lai, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười sẽ là một viện nghiên cứu về cây cỏ ở khu vực và ĐBSCL.
Để có cơ ngơi như hôm nay và trở thành một trong những điểm du lịch xanh giữa lòng Đồng Tháp Mười, ông Nguyễn Văn Bé đã cùng với vài chục công nhân đào gần cả tỉ mét khối đất để xẻ kênh, xây đê bao giữ nước, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ những cây tràm gió, một giống tràm quý chỉ có ở vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười và là khu rừng tràm tự nhiên hàng trăm năm tuổi còn sót lại của châu Á. Đến với Trung tâm, du khách sẽ được thưởng lãm bộ sưu tập tinh dầu đồng bộ nhất khu vực Đông Nam Á với khoảng 100 loại tinh dầu thiên nhiên ở Việt Nam, trong đó có khoảng 80% phục vụ cho ngành dược phẩm, 20% phục vụ cho ngành hương liệu va thực phẩm.
Tháng 03/2007, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đã trở thành một thành viên của Công ty Cổ phần dược phẩm Imexpharm. Hiện Imexpharm đã đầu tư vào Trung tâm trên 9 tỉ đồng để xây mới và hoàn thiện 15 hạng mục, dự kiến sẽ xây dựng nơi đây một nhà máy sản xuất thuốc đông dược tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng khách sạn hiện đại, tiến tới hoàn thiện khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và chữa bệnh.
Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đã được ngành du lịch tỉnh Long An đưa vào danh sách những tuyến du lịch sinh thái trọng điểm phục vụ cho Năm Du lịch Quốc gia Mekong – Cần Thơ 2008. Du khách có thể đến tham quan, hít thở không khí trong lành của thiên nhiên, ngắm nhìn các loài động vật đặc trưng của Đồng Tháp Mười như cò, diệc, giang sen, cồng cộc, sếu, thưởng thức ly đá chanh pha mật ong nguyên chất ngọt lịm, dùng cơm trưa với các món đặc sản của vùng đất phèn như cơm gạo huyết rồng ăn với cá rô kho tộ, cá lóc nướng trui cuốn lá sen, rắn bằm xào sả hoặc chuột hấp rau răm.
Ngoài những thú vui ấy, khách còn được nghe thuyết minh về công dụng của từng loại dược liệu và hướng dẫn cách giữ gìn sức khỏe và điều trị một số loại bệnh thông thường bằng các loại cây cỏ, rau lá dân dã.
Những tư liệu về nguồn tri thức bản địa vô cùng phong phú và cần được phổ biến rộng trong nhân dân nên tua du lịch đến với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là một tua lý tưởng mà ngành du lịch ĐBSCL đang hướng tới.