Các nhà khoa học Mỹ và Kenya dựa trên việc phân loại gen đã phát hiện có ít nhất sáu phân loài hươu cao cổ khác nhau còn tồn tại, trong đó một số đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Trước đây, người ta vẫn nghĩ rằng chỉ có duy nhất một loài hươu cao cổ tồn tại trên các thảo nguyên châu Phi.
Nhà di truyền học David Brown thuộc Hội Bảo vệ Động vật Hoang dã Mỹ, giảng viên trường đại học California Los Angeles, tác giả đề tài nghiên cứu về hươu cao cổ cho biết, một số phân loài hươu cao cổ hiện chỉ còn độ vài trăm cá thể và cần được bảo vệ khẩn cấp. Nếu chúng ta gộp hết tất cả các phân loài hươu cao cổ làm một thì sẽ không thấy được sự thật là có một vài phân loài hươu cao cổ đang trên bờ vực của sự tuyệt chủng.
Những phân loài hươu cao cổ có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất bao gồm loài hươu cao cổ có đốm hình mắt lưới ở Kenya, Ethiopia và Somalia. Đến tận những năm 1990, số cá thể của loại hươu này vẫn còn khoảng 27.000 con, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn chưa đầy 3000 con.
Một vài số liệu về hươu cao cổ: *Chiều cao: có thể đến 6m * Lưỡi đặc biệt dài: 45cm *Cân nặng: có thể đến 1000kg *Tốc độ di chuyển: tối đa: 55km/h |
Ở Tây và Trung phi, hiện người ta ước tính chỉ còn 160 con hươu cao cổ Nigeria.
Tuy nhiên, tất cả các phân loài hươu đều đang bị đe doạ. Ông Brown cho biết có khoảng 30% số hươu cao cổ đã biến mất trong mười năm qua.
Ông cho rằng, việc định rõ các phân loài hươu cao cổ sẽ khiến chính phủ các nước châu Phi cũng như các chuyên gia phải kiểm tra lại công tác bảo tồn loài động vật đang gặp nguy hiểm này.
Nghiên cứu của nhà di truyền học David Brown được đăng trên Tạp chí Sinh vật học BMC.